top of page

NS.44_Mừng Sinh Nhựt Tổ Năm 2011

ghpham1210

Môn sinh TĐ Vũng Tàu


Nhân dịp đại lễ mừng sinh nhật lần thứ 165 của Đức Sư Tổ DASIRA NARADA của chúng ta, thiền đường Vũng Tàu, cùng với các thiền đường trên toàn thế giới toàn tâm, toàn ý hướng về ngày Đại lễ mừng sinh nhật Tổ. Chúng ta kính cẩn tri ân Đấng toàn năng hằng hữu đã lấy tình yêu thương đem đến cho nhân loại sự chuyển hóa khẩn thiết để đón nhận một đời sống minh triết vẹn toàn.


Với ý nghĩa ấy, là môn sinh Thiền Đường Vũng Tàu tôi muốn chia sẻ suy niệm SỐNG qua lăng kính của pháp môn VI DIỆU PHÁP HÀNH THIỂN như một đóa hoa dâng lên Đức Sư Tổ DASIRA NARADA trong ngày đại lễ này.


Cuộc sống giống như một giòng sông liên tục trôi chảy và biến đổi không ngừng, khi chúng ta đối mặt với cuộc sống chúng ta sẽ không thể hiểu cuộc sống là gì? Thế nhưng sự liên tục trôi chảy vẫn bắt chúng ta phải lo toan những ước mơ, lo âu, sự khắc khoải chán chường và khi tuyệt vọng nhất, chúng ta thường hỏi sống để làm gì? Chúng ta đã tìm được gì trong cuộc sống này? Và áp lực của cuộc đời luôn đẩy chúng ta đi về phía trước không điểm đến. Nhưng ta đang cần một điểm đến để nhìn lại cuộc đời không lối thoát này và tất nhiên giống như một định mệnh, một điểm đến như một lối thoát cuối cùng dẫn đưa chúng ta bước vào đó là Thế giới tâm linh.


Chúng ta phải hiểu rằng hoạt động của đời sống tâm linh không hề ngăn cách với đời sống hiện tại mà chính hoạt động của đời sống tâm linh là một phần của đời sống hiện tại, không có nghĩa đời sống tâm linh bắt chúng ta gạt bỏ những hoạt động hàng ngày để theo đuổi một điều gì đó trừu tượng, xa vời. Do đó, lại một câu hỏi nữa lại đặt ra cho chúng ta. Vậy thì đời sống tâm linh có khác gì so với đời sống hàng ngày? Có phải đời sống tâm linh là một đời sống cho ra sống, sống thoải mái với cuộc đời thực tại này, khi đi chúng ta biết chúng ta đi, khi đứng chúng ta biết chúng ta đứng, khi ăn chúng ta biết chúng ta ăn. Sống một cách ý thức và chủ động chứ không phải là một cuộc sống thụ động.


Và vì thế tôi đã đến với Pháp môn Vi Diệu pháp Hành Thiền như một định mệnh. Kể từ khi chính thức là Môn sinh của pháp môn tôi đã thọ nhận quyền năng của pháp môn một cách trang nghiêm như khai mở luân xa, thiền định, tiếp thu các huấn từ của Thầy Cô Chưởng môn. Lời dạy của Thầy giảng huấn và sự hướng dẫn tận tình của anh chị TĐ Trưởng Thiền Đường Vũng Tàu đã cùng đồng hành với các môn sinh của thiền đường trong suốt thời gian qua. Tôi đã tập trung suy gẫm và thiền định nghiêm túc, thời gian trôi qua đến nay đã được 7 tháng kể từ khi bắt đầu nhập môn. Tôi đã nhận ra rằng: Pháp môn đã lấy đi của tôi quá nhiều thứ mà tôi cứ tưởng đó là một phần đời sống của tôi, lấy đi sự hèn yếu của một con người; lấy đi cái tham, sân, si; lấy đi cái hỷ, nộ, ái, ố; đập phá đi cái đền đài trong tôi được xây dựng bằng những giáo điều, lề lối thụ động quen thuộc và đã trao lại cho tôi một điều duy nhất đó là Sự Hiểu Biết để tôi làm hành trang bước vào Thế giới tâm linh làm người nhập cuộc.


Chúng ta phải ghi nhận điều đầu tiên: Chính vô minh là sự thiếu hiểu biết khởi nguyên cho con người ta xa lìa với sự duy nhất và tiến đến sự chia rẽ, chỉ khi nào sự vô minh giảm bớt thì sự chia rẽ cũng giảm bớt, và khi nào sự vô minh chấm dứt thì chúng ta mới có sự an vui vĩnh viễn.


Trong huấn từ cô Ngọc Hải đã chỉ dẫn môn sinh lời của phật dạy: “Nếu tu hành mà thiếu hiểu biết thì chỉ đi lòng vòng, muốn hiểu biết phải có trí tuệ sáng suốt, muốn có trí tuệ sáng suốt thì phải có thân thể khỏe mạnh, vì không có cái trí tuệ sáng suốt nào ở trong một thân thể bệnh hoạn”.


Là đệ tử của Tổ, chúng ta đã được thừa hưởng một bí pháp cực kỳ vi diệu đưa giá trị của con người lên một bình diện cao mới, thế nhưng chúng ta phải hiểu rằng chúng ta không thể thừa hưởng một cách thụ động như lời thầy Đức Thuận đã giảng dạy: “…Vi Diệu Pháp Hành Thiền để giúp cho chúng ta trực nhận tinh hoa, để trực tiếp xả thân hành pháp, nâng cao trình độ hiểu biết tâm linh để cứu giúp nhân loại...”. Và sự hiểu biết đầu tiên trong thế giới tâm linh đó chính là ĐỨC TIN.


Là Môn sinh của pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền chúng ta phải có đức tin và hiểu biết về đức tin để làm tiền đề cho việc tu học theo thuyết tiến hóa như lời Tổ dạy, đức tin được chia thành hai loại: Mê tín và Chánh tín. Chúng ta hiểu biết thế nào là Mê tín và Chánh tín?


- Mê tín là một đức tin không có sự hiểu biết, một niềm tin mù quáng không có sự suy xét và sự mê tín này dễ dẫn đến cạm bẫy của sự sùng bái. Người mê tín luôn luôn trao trọn gói cuộc đời mình cho đối tượng thần thánh mình sùng bái và đắp chăn ngủ yên đợi phép mầu của vị thần thánh mang tới. Khi không đạt được ước vọng họ điên cuồng tiếp tục tạo nghiệp trong vô minh trở thành kẻ cuồng tín nổi loạn.


- Chánh tín là một đức tin vững chắc không lay chuyển, phát sinh từ sự hiểu biết nội tâm của mình. Khi một người nhận thức rõ diễn biến của tâm, người đó có thể dứt bỏ nghi hoặc, đạt được đức tin trong sự tu hành. Chúng ta luôn có một đức tin đối với chân lý tối thượng của pháp Tổ và chính chân lý ấy làm toát lên sự bí ẩn kỳ diệu của cuộc sống, làm cho chúng ta hiểu được sự thiếu an toàn trong đời sống hiện tại. Chúng ta cảm thấy sợ hãi khi chợt nhận ra những sự thật của cuộc đời, đó chính là nền tảng của đức tin mà chúng ta đã dâng trọn cho pháp Tổ. Chỉ có một đức tin vững chắc chúng ta mới có thể chiến thắng được chính chúng ta trên bước đường tu tập như Thầy Chưởng môn đã dạy: “…Trong khi tu tập sửa chữa bao giờ cũng có những bài học cho ta đối diện với trở ngại, phiền não, đau khổ, vì những việc này phải luôn luôn diễn biến tương tục trong thế gian, như thế ta mới có dịp rút tỉa, trau dồi học hỏi để có cơ hội hành pháp lập hạnh cứu đời…”. Trong đời sống tâm linh chúng ta phải chấp nhận sự xuất hiện của khảo đảo và coi đó như là một phần của đời sống tâm linh. Nó vẫn có giá trị một cách độc lập và chính mỗi lần xuất hiện nó trở thành thước đo tinh thần tu tập của các môn sinh. Như lời cô Ngọc Hải đã dạy: “… Tổ dạy: là Môn sinh của Pháp Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền không được sợ hãi, trốn chạy hay mong cầu đừng gặp thử thách, vì khảo đảo, thử thách chắc chắn phải có…; Tổ dạy các môn sinh phải biết rằng khi con người bị gục ngã, không phải do sự khảo đảo thử thách mà do sự yếu hèn của linh hồn, là người tu muốn mau về chỗ sáng suốt minh triết, thì đừng có tư tưởng lo sợ khảo đảo, thử thách, gian truân hay nguy hiểm…”. Lúc ấy chính đức tin sẽ trở thành vũ khí tối thượng để lao vào cuộc chiến nội tâm và đức tin sẽ làm cho mỗi trái tim của chúng ta trở nên vĩ đại, biến áp lực của khảo đảo trở thành nhỏ bé để cho chúng ta vượt qua một cách dễ dàng. Đặc biệt hơn nữa khi chúng ta có một đức tin vững chắc vào pháp Tổ thì Tổ sẽ luôn gia trì lực để chúng ta đứng vững trước mọi thử thách.


* Sự hiểu biết về CHUYỂN HÓA TÂM THỨC:


Chúng ta đang ở trong một nguồn mạch của sự hiện sinh, chúng ta đang sống nương tựa vào chân lý của Tổ, chúng ta đã thẩm thấu sự dạy bảo của Thầy Cô Chưởng môn và các huấn từ của pháp Tổ và chúng ta đã hiểu ra rằng, trên đời này chẳng ai làm khổ chúng ta được cả, chính cái tham, sân, si làm khổ chúng ta mà thôi. Khi một niệm tham, sân, si khởi lên mình thì có cảnh khổ tiếp theo, khi niệm tham, sân, si dừng lại, cảnh khổ tiêu diệt. Đơn giản chỉ có thế thôi.!


Và như vậy, không còn cách nào khác hơn chúng ta phải tự bước lên từ vũng lầy, từ địa ngục của sự giả dối khiếp nhược, ngu si, đảo điên cuồng dại của chính mình và của những ước lệ, những khuôn định của giáo điều mẫu mực đến vô lý luôn giam hãm con người, làm cho con người trở nên yếu hèn đáng thương. Chính pháp Tổ đã chỉ ra cho chúng ta thấy được thực trạng của đời sống hiện nay và cho chúng ta một phương tiện vi diệu để chuyển hóa tâm thức. Sự chuyển hóa tâm thức là một cuộc cách mạng triệt để trước những ứ đọng vô lối của đời sống con người, trước khi bàn về sự chuyển hóa, chúng ta phải nói về khái niệm thời gian.


Chúng ta nên hiểu rằng “ thời gian” chính là kẻ hủy hoại và làm biến dạng sự chuyển hóa tâm thức, yếu chỉ của pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiến huấn từ của Đức Sư Tổ và lời dạy của Thầy Cô Chưởng môn đủ để cho chúng ta nhận thức rằng sự chuyển hóa trong tâm thức chỉ có ở ngay bây giờ hoặc là không bao giờ. Bởi, thiên đường hay địa ngục, hạnh phúc hay khổ đau, buồn vui phiền trược tất cả đều ở tâm chúng ta mà ra. Chúng ta là một thành phần của xã hội và cũng là một thành phần của thế giới này. Sự giao tiếp hàng ngày của chúng ta đã tạo nên khuôn định của xã hội. Chúng ta thả vào đời sống hiện hữu những gì thì đời sống trả ngược lại ta thứ đó theo định luật phản lực. Do đó chúng ta phải đối diện với đời sống này một cách tích cực và có trách nhiệm, để truyền bá tinh hoa của pháp môn đến với toàn nhân loại chứ không phải trốn chạy tìm nơi an trú cho riêng mình. Khi tìm hiểu chính mình sẽ phát khởi sự chuyển hóa tâm thức, chúng ta phải thay đổi tận gốc rễ của tâm thức chúng ta một cách toàn triệt, có như vậy chúng ta mới thay đổi được cả thế giới đó cũng là mục đích của pháp môn trên con đường dấn thân và phụng sự nhân loại.


* Sự hiểu biết về THIỀN ĐỊNH:


Thiền là gì? Thật sự thiền không có khái niệm, vì thiền không thể diễn đạt bằng trí năng, bằng sự nghiên cứu giả định hoặc phân tích hay tổng hợp và thiền cũng không có trong kho tàng giáo lý hay kinh điển bởi vì thiền không căn cứ vào văn tự mà người học thiền phải dùng bản thân mình làm dụng cụ khảo cứu. Thiền giúp cho chúng ta đạt tới cái thấy sâu sắc về thực tại, cái thấy này giải phóng cho mình ra khỏi sự sợ hãi, lo âu, phiền muộn, có khả năng chế tác chất liệu trí tuệ và từ bi, nâng cao phẩm chất của sự sống, đem lại cho mình và cho kẻ khác nhiều thảnh thơi và an lạc. Bản chất của thiền là Niệm, Định và Tuệ, ba nguồn năng lượng được chế tác trong khi thiền. Trong Thiền Định chúng ta phải đặt nền tảng cho trật tự đến từ hiểu biết của sự hỗn loạn và sự hỗn loạn này xuất hiện từ bản ngã, vì thế nơi nào có hoạt động của bản ngã thì nơi đó không có thiền định. Những phiền não tham, sân, si, là nguyên nhân của sự khổ đau và ích kỷ của chúng ta, chúng ta phải tìm cách khắc phục chúng, khống chế chúng, và vượt khỏi vòng kiềm tỏa của chúng để trở thành chủ nhân của tâm chúng ta, chúng ta ngồi Thiền để tỉnh thức và nhận biết những chuyển biến trong giòng tư tưởng nhưng “TÂM” vừa là giòng tư tưởng, vừa là sự tỉnh thức và nhận biết Tâm, hãy nhận biết Tâm khi nó tiếp xúc hay rời bỏ trần cảnh.


Phương pháp Thiền giúp phát triển chính niệm rồi sau đó dùng chính niệm để nhận ra chân lý tiềm tàng. Với chính niệm này chúng ta quan sát mọi ý niệm sinh khởi trong tâm, ham muốn, yêu ghét, vui sướng và đau khổ, đồng thời nhận thấy bản chất Vô thường và Vô ngã của chúng. Bằng cách này trí tuệ sẽ thay chỗ cho si mê, hiểu biết sẽ thay chỗ cho hoài nghi; và trí tuệ tự đem đến cho chúng ta một chân lý sống đó là lòng yêu thương, một hạnh phúc vĩnh cửu và đó chính là chân lý của Đức sư tổ DASIRA NARADA.


“…Cái chân lý mọi người đều chấp nhận

Không biên cương, không giai cấp màu da

Với tình thương nhân loại khá đậm đà

Không vị kỷ, đam mê hay vụ lợi

Chân lý ấy mới thật đầy ý nghĩa….”.


Như vậy, từ sự hiểu biết làm nền tảng cho sự nhận thức về đức tin, nhận thức về sự chuyển hóa trong tâm thức, đến nhận thức về thiền định. Chỉ bấy nhiêu thôi chúng ta sẽ giác ngộ chân lý của pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền mà không phải đi tìm bất cứ nơi đâu vì người đi tìm chân lý sẽ không bao giờ gặp được chân lý. Tình yêu thương mang tính nhiệm mầu và huyền bí, chúng ta không biết nó là gì, nhưng chúng ta biết khi nó hiện diện. Khi chúng ta đi tìm tình yêu thương, chúng ta phải hỏi nó được tìm thấy ở đâu? Vâng! Nó chỉ tìm thấy ở đây vào lúc này, tình yêu trong quá khứ chỉ là ký ức, trong tương lai chỉ là mường tượng, chỉ có một nơi mà người ta tìm thấy được đó là sự tỉnh thức trong phút giây hiện tại này. Đó là điều mà pháp môn chỉ ra cho chúng ta thấy để thực hiện trên con đường tu tập và hành pháp.


Cuối cùng chúng ta hãy quay vào bên trong chúng ta, để chúng ta hiểu biết về mục đích cuộc sống này. Tại sao chúng ta lại muốn thay đổi cuộc sống này? Phải chăng cuộc sống này đã làm cho chúng ta nhàm chán khi nó trống rỗng, lặp đi lặp lại như một cái máy vô tri, vô giác; và ngày càng trở nên đần độn, vô nghĩa. Đây chính là động cơ để chúng ta nhận thức được rằng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi một cuộc sống minh triết hơn, có được sự an lạc với giá trị tràn đầy và trọn vẹn hơn. Chính pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền đã trao cho chúng ta phương tiện để làm cuộc thay đổi đó, cuộc thay đổi như một sự chuyển nghiệp từ thân, khẩu, ý. Làm cho con người chúng ta trở về với tinh khôi ban đầu của nó, hãy nhìn vào bên trong tâm thức để tìm hiểu, lắng nghe chính bản thân mình chứ không trốn chạy khỏi nó. Hãy phụng sự nhân loại bằng tình yêu thương chân chính của mình. Đó chính là chân lý của cuộc sống và là đạo lý của pháp môn.

0 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

NS.49_Diễn Văn Mừng Sinh Nhựt Tổ

Môn sinh Kim (Thiền Đường Surrey) Ngày 14 tháng 10 năm 2011 Kính thưa đức Sư Tổ DASIRA NARADA, Thầy Cô Chưởng Môn, Ban Giảng huấn và các...

bottom of page