top of page

NS.33_Pháp Tổ Có Phải Là Phật Pháp Không?

ghpham1210

Môn Sinh Chương Nguyễn,

Thiền Đường Toronto


Như chúng ta đã biết qua sự dạy dỗ của Đức Sư Tổ DASIRA NARADA rằng, con người đến với thế gian này không phải chỉ để sống, hưởng thụ, rồi chết đi. Vạn vật từ đất đá, hoa cỏ, muông thú, cho đến con người đều phải trải nghiệm học hỏi những bài học từ ô trược tới thanh đặng tiến hóa trở về nguồn cội của mình. Nhưng vì trong quá trình học hỏi này, con người đã bám víu vào hoàn cảnh và quên bặt đi cái nhiệm vụ thiêng liêng ban đầu. Càng ngày họ càng đi sâu vào cung mê, sống trong sự trầm luân bế tắc không biết lối thoát. Vì thương chúng sanh nên các Đấng cứu thế đã lần lượt đến với thế gian để chỉ dạy cho con người biết được lối thoát khỏi sự hiểm nguy đau khổ vô bờ bến của cuộc sống tạm bợ này. Các Ngài đã đến qua từng thời kỳ và trong mỗi thời kỳ như vậy các Ngài nhìn thấy chúng sanh có một trình độ, căn cơ, và dân trí khác nhau. Thí dụ như hồi thời Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đến thế gian này đã gần 2600 năm trước, thời đó con người còn sống trong sự thô sơ, văn hóa, xã hội, và kỹ thuật chưa phát triển nên Đức Phật chỉ nói cho con người lúc đó biết những gì mà Ngài nghĩ là hợp với căn cơ trình độ của họ thời bấy giờ. Cùng một nhiệm vụ với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Sư Tổ DASIRA NARADA đến với thế gian ở thế kỷ 21 này, Ngài thấy được sự tiến bộ của con người về các mặt như văn hóa, xã hội, và kỹ thuật nên Ngài dạy cho chúng ta những điều mà con người chẳng hiểu được vào 2600 năm trước đây.


Những điều các Ngài dạy cho chúng sanh là những phương tiện. Phương tiện thì có sai biệt tùy theo căn cơ hạnh nghiệp của từng người nhưng chân lý duy chỉ có một. Cũng giống như khi ta muốn đi từ Toronto đến Vancouver, có người đi bằng máy bay, có người sợ lên cao thì đi bằng xe hơi, cũng có người không có xe hơi thì đi bằng xe lửa, đi bộ, v.v…, nhưng rốt cuộc cũng đến được Vancouver; mà thành Phố Vancouver thì chỉ có một. Có điều đi bằng máy bay thì ít tốn thời gian hơn là đi bằng xe hơi, xe lửa hay đi bộ.


Nói về Phật Pháp ta có thể hiểu theo hai nghĩa; nghĩa thứ nhất: Phật Pháp là Pháp phương tiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng để chỉ dạy con người ở 26 thế kỷ trước. Theo nghĩa thứ nhì, Phật là người giác ngộ, Pháp là phương pháp; vậy thì, Phật Pháp chính là phương pháp của người giác ngộ. Người giác ngộ thì có cái biết chân thật về vũ trụ, về cơ Trời nên các Ngài hướng dẫn chúng sanh đi đúng đường để giúp họ cởi trói sự ràng buộc của trầm luân đau khổ.


Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, hay Đức Sư Tổ đều là các vị chứng đắc và các Ngài biết rằng chân lý chỉ có một, nhưng vì các Ngài nhận nhiệm vụ đến thế gian vào các thời kỳ khác nhau nên các Pháp phương tiện cũng có khác nhau. Mỗi pháp phương tiện đều cần phải được dạy dỗ thì con người mới hiểu mà làm theo; vì vậy các Ngài dùng ngôn ngữ thế gian để diễn tả truyền đạt các pháp phương tiện này cho chúng ta hiểu. Mà đã nói là ngôn ngữ của thế gian thì lẽ nhiên nó có sự giới hạn của nó. Cũng như khi nói rằng “muốn hết sự đau khổ thì phải tu sửa để phát sanh trí tuệ, tạo dựng công đức, và giải thoát.” Các từ ngữ “công đức”, tiếng Anh gọi là “nonsuffering merits,” nếu không gọi là như thế thì gọi chúng như thế nào? Phải dùng ngôn ngữ của thế gian mới diễn đạt cho người thế gian hiểu rồi theo đó mà họ hành động. Khi đạt được trí tuệ vô lậu rồi thì không cần dùng ngôn ngữ thế gian nữa ta cũng hiểu tất cả các pháp về nhân sinh, vạn vật, và chân lý vũ trụ.


Đức Thích Ca Mâu Ni đã nói với các đệ tử của Ngài rằng những gì Ngài biết thì như lá ở trong rừng còn những gì Ngài đã nói ra thì như lá trong nắm tay của Ngài. Ngài nói vậy là nghĩa làm sao? Theo sự hiểu biết thô thiển cạn cợt của tôi là vầy: Lá trong nắm tay thì khi nhìn thấy, ta có thể biết cụ thể màu sắc, hương vị, số lượng ít nhiều, và đương nhiên là có giới hạn, có cố định. Còn lá cây trong rừng thì trùng trùng điệp điệp, trừu tượng, vô giới hạn, làm sao cân đo đong đếm được? Chỉ có các vị chứng đắc mới thấy rốt ráo được vậy. Học Pháp Tổ ta thấy Ngài đã dạy những bí mật thâm sâu huyền diệu; đấy chính là những lá cây trong rừng. Mà lá cây trong rừng thì quá nhiều còn tư tưởng của con người thì có giới hạn; vì vậy, nên ngôn ngữ của con người chẳng thể diễn tả nỗi những việc siêu xuất thế gian.


Nói Pháp Tổ là Phật Pháp theo nghĩa rằng Pháp Tổ được trích ra từ Pháp phương tiện của Đức Thích Ca Mâu Ni là chưa rốt ráo. Nhưng nói Pháp Tổ là Phật Pháp theo nghĩa tất cả các Pháp cứu thế là phương pháp của người giác ngộ thì có lý; nhưng con người cố chấp, có tâm phân biệt muốn tìm tòi so đo và chạy theo cái vọng tưởng, cho là Pháp này cao hơn Pháp kia, Pháp kia đúng, Pháp nọ sai, chớ họ đâu có ngờ rằng các Ngài dùng những phương tiện khác nhau để dẫn dắt chúng ta trên con đường Đạo đi đến một chân lý duy nhất đó là sự tiến hóa của vạn vật.

0 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

NS.49_Diễn Văn Mừng Sinh Nhựt Tổ

Môn sinh Kim (Thiền Đường Surrey) Ngày 14 tháng 10 năm 2011 Kính thưa đức Sư Tổ DASIRA NARADA, Thầy Cô Chưởng Môn, Ban Giảng huấn và các...

bottom of page