Môn sinh Trần Đình Quang
TĐ Mississauga
Bản thân tôi cảm thấy thương tiếc khi hay tin một số anh chị em đã rời khỏi pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền (VDPHT). Cách đây không lâu: một, hai, hay thậm chí cả mươi năm... đại đa số chúng ta chỉ là những phàm nhân; lòng đầy tham đắm, thân đầy bệnh hoạn, khiến chúng ta mê mệt, tâm trí lu mờ không biết phân biệt đâu là chân, đâu là giả. Cái thật của mình ta không trân quí để phát huy, mà cứ chạy theo cái giả tạo bên ngoài; từ đó lòng tham trổi lên lôi cuốn chúng ta vào biển lửa: tham-sân-si; những điều này xui khiến con người tạo đầy nghiệp xấu, để rồi trầm luân trong đau khổ. Thế rồi nhờ Pháp Tổ, qua sự giảng dạy của Thầy Cô, chúng ta như chợt tỉnh, khởi tâm tu học, tập sự giúp đời, qua các hình thức thiền định, giúp truyền năng lượng, tổ chức lớp học, xây dựng thiền đường... biểu hiện sự nhiệt thành đầy khích lệ. Tuy nhiên, dầu cho bất cứ hình thức nào, chúng ta chỉ là những người mới vào đạo và đang tập tỉnh đi trên con đường đạo, nên lòng tham còn đầy dẫy.
Trong giây phút suy tư, thầm nhớ lại những điều Thầy Cô giảng dạy: “Mang thân người, không ai không tham, cái tham phàm tục ô trọc; ngay cả tham thánh thiện siêu thoát cũng đều là dục... với tâm hồn đã thoát ly thì dù là tham thiện, tham tu vẫn không hiện hữu, bởi vì tham là biểu hiện trạng thái dục, mà dục là động tâm, tâm đã vọng động thì không thể giải thoát." Vậy người tu mà còn vọng tâm hướng ngoại tìm kiếm cái này tìm kiếm cái kia là còn chìm đắm trong tham lam vọng tưởng, hay nói cụ thể: tham lên cấp, tham làm đại ca, tham làm người khai mở luân xa, cũng đều là vọng tưởng. Thầy dạy rằng: “Trạng thái tâm vọng này, đóng vai chủ động to lớn, luôn dẫn dắt ta lún sâu vào đọa lạc”. Pháp Tổ có đoạn dạy rằng: “Chưa vào đạo thấy núi là núi, sông là sông; vào được đạo thấy núi không phải núi, sông không phải sông; chứng đạo rồi thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông". Ở đây, bạn và tôi, không phải là người chứng đạo, và chúng ta cũng không còn là kẻ vô đạo, mà là những người mới vào đạo. Vậy chúng ta hãy cùng nhau ôn lại lời dạy của Thầy về ý nghĩa này: “Cái thấy của người mới vào đạo, lòng đầy nhiệt thành thì núi và sông không còn là núi và sông, bởi vọng tưởng cộng thêm nhiệt thành biến sanh đại vọng tưởng".
Các bạn thân! Lòng đầy nhiệt thành đáng mến mà cũng thật nguy hiểm đáng cảnh giác. Khi anh chị em chúng ta đến với VDPHT, chúng ta được Thầy Cô khai mở luân xa, gieo hạt giống Bồ Đề vào tâm ta. Thầy Cô giảng dạy Pháp Tổ để nuôi dưỡng hạt giống Bồ Đề đó. Thầy Cô hướng dẫn cho chúng ta tu học, lập hạnh giúp đời; đó là lúc hạt giống Bồ Đề của chúng ta đang nẫy mầm và lớn mạnh trên mảnh đất tâm của chính mình. Mảnh đất tâm sâu thẳm ấy là nguồn gốc của các tinh hoa Chân-Thiện-Mỹ, là Phật tánh, là Thượng Đế tánh. Vậy mình tu mà cứ lo mãi mê hướng ngoại, tìm kiếm cái này, tìm kiếm cái kia, thì làm sao mà Bồ Đề tâm của mình được phát triển. Hướng ngoại là vọng, mong muốn cái này cái kia là tham hay dục, tìm kiếm cái này cái nọ, cộng lại tùm lum cái là động. Vậy mặc dầu có lòng nhiệt thành mà kèm theo (tham + vọng + động) là đại vọng tưởng, thật đáng nguy hiểm!
Nhìn lại chặng đường mà chúng ta đã đi qua; từ khi gặp được Thầy Cô, chúng ta đã và đang chuyển biến từ tấm thân bệnh hoạn mỏi mòn - đến khoẻ mạnh an vui. Từ tâm hồn hoang dã đầy cỏ dại tham lam - đến thánh thiện trong lành, với tấm lòng vị tha chân ngã. Thầy Cô cũng thường xuyên nhắc nhở rằng: “Con đường theo Tổ dài và dài lắm...". Đó là con đường tiến hóa, là con đường hướng thượng. Mà hướng thượng có nghĩa là đi lên. Thật vậy, anh chị em chúng ta đang từng bước đi lên trên từng nấc thang tiến hóa mà Thầy Cô đang dìu dắt. Chân chúng ta phải thật vững từng bước một, tâm phải thật chắc nương vào Pháp Tổ, vào sự dìu dắt cuả Thầy Cô. Và trên con đường đi lên, đừng nghĩ rằng mình đã đến đỉnh cao rồi dừng lại, sẽ không bao giờ tiến hóa. Tệ hại hơn, khi chúng ta dừng lại vì nghĩ rằng mình đã đạt đến đỉnh cao thì mình sẽ có khuynh hướng nhìn xuống; lúc đó cái ta phàm phu sẽ nỗi dậy, khiến mình chỉ trích người này, phê phán người kia, ba hoa làm thầy thiên hạ. Con đường đạo chân chính nhiệm mầu là con đường diệt bỏ lòng tham vô đáy, diệt bỏ cái ta cao ngạo, đừng để nó trổi lên, khiến ta buông tay - rời thang đạo lý; buông tâm - rời xa Pháp Tổ - rời xa huynh đệ - rời xa thiền đường - đoạn tuyệt Pháp Môn. “Đó là chấp ngã, và chấp ngã thì sẽ ngã mạng”, rơi xuống bể khổ trầm luân. Tệ hại hơn nữa, nếu chúng ta vọng tâm nhảy qua cái thang khác thì chắc chắn sẽ bị té, sẽ bị nó đè bẹp. Các bạn có đồng ý không? Trên thực tế, không một người thợ nào đang ở trên cao mà u mê đến nổi nhảy từ cái thang này qua cái thang nọ. Đấy là chưa nói đến cái thang kia là thang vẽ, thang mê. Nói khác đi là cái thang bùa ngãi. Vì bùa cũng là vẽ - vẽ ngoằn nghèo - vẽ rắn rết; và ngãi là mê. Do dó chỉ có người u mê mới theo bùa ngãi.
Là môn sinh VDPHT, xin hãy đem tấm lòng nhiệt thành đáng mến này để chúng ta cùng nhau: tay kết tay - tâm nối tâm, xây dựng thiền đường, góp phần phát triển pháp môn để phụng sự nhân loại, trong tình huynh đệ chan hoà, tình thầy trò gắn bó, tình yêu thương đại đồng. Hãy hướng nội để học và hiểu Pháp Tổ nhiều hơn, để có điều kiện giúp đời nhiều hơn, để thương kính Thầy Cô nhiều hơn. Đừng để cho vọng tâm lôi kéo cái nhiệt thành nguy hiểm kia đi hướng ngoại, tìm kiếm cái này, tìm kiếm cái kia để rồi biến sanh đại vọng tưởng.
Hãy: “Nhắm mắt mở tâm tầm chân ý. Vững lòng bền chí thị ý chân.”