top of page

NS.17_Cảm Tưởng Trong Ngày Sinh Nhật Đức Sư Tổ Dasira Narada

ghpham1210

Đã cập nhật: 18 thg 8, 2024

Môn sinh Trần Đình Quang

TĐ Mississauga


Ðối với pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, ngày 24 tháng 10 mỗi năm là một ngày thiêng liêng và quan trọng hàng đầu. Ðó là ngày sinh nhật của Ðức Sư Tổ Dasira Narada, vị Tổ kính yêu đã khai sáng Vi Diệu Pháp Hành Thiền, một diệu pháp khoa học tâm linh, hướng dẫn cho nhân loại tu thiền để thanh lọc thân tâm và hành thiện giúp đời. Từ từ người môn sinh sẽ hiểu rằng càng dấn thân giúp đời thì càng có nhiều cơ hội để thể nghiệm tâm thức ngỏ hầu chứng thực tâm linh, với cứu cánh tối ưu là diệt khổ và giải thoát ngay trong thế giới hiện hữu này.


Cũng trong ngày lễ này mọi môn sinh ghi tâm cảm kích Thầy Nguyễn Ðức Thuận và Cô Nguyễn Ngọc Hải, những người đang mang sứ mạng thiêng liêng, truyền đạt minh triết uyên thâm của Ðức Sư Tổ Dasira Nadada cho nhân loại tu học. Thầy Cô hướng dẫn cho môn sinh tu tập để phát triển căn lành, tiêu trừ nghiệp dữ; Thầy Cô giảng dạy và giải thích ý nghĩa chân thật của đời sống tâm linh; để rồi từ đó mỗi môn sinh tự ý thức, hy sinh tư lợi của đời sống vật chất, chăm lo tu học theo đời sống tinh thần, để được thăng tiến trên con đường tiến hóa tâm linh đầy ý nghĩa.


Một điều rất vui mừng trong ngày sinh nhật Tổ, đó là sự hiện diện của nhiều anh chị em môn sinh, mà thường ngày không có điều kiện để đến thiền đường sinh hoạt thường xuyên, phần đông là còn bị chi phối bởi công ăn việc làm, hay là trách nhiệm con cái. Thế mà đến ngày 24 tháng 10 mỗi năm, các anh chị luôn luôn tranh thủ về họp mặt đông đủ. Nét hân hoan trên từng khuôn mặt của mọi người nói lên rằng, trong tâm các bạn vẫn luôn hướng về Tổ, và những hạt giống tình thương của Tổ mà Thầy Cô đã gieo trên mảnh đất tâm của các bạn, vẫn đang ngấm ngầm. Mong rằng các bạn luôn chuyên tâm bảo trì những hạt giống thiêng liêng, mà chúng ta đã may mắn nhận được. Nguyện cầu Ðức Sư Tổ Dasira Narada gia hộ cho những hạt giống này có điều kiện phát triển thành những hoa màu tri giác.


Nhân ngày sinh nhật Tổ, các môn sinh lại có cơ hội lắng tâm nghe “Tiểu Sử Ðức Sư Tổ, Dasira Narada”, thơ “Chân Lý” của Ngài, và huấn từ của Thầy Cô. Đây là 3 món quà tinh thần hàm chứa những ý nghĩa chân thật và nguyên lý của sự tu học, mà người môn sinh nên triển khai để cùng nhau tu tiến, vì nếu không thì ý nghĩa của đạo lý Tổ mà Thầy Cô đã thiền định, tư duy, và gói ghém trong các bài huấn từ cũng đi vào quên lãng theo thời gian.


Trước hết là bài “Tiểu Sử Ðức Sư Tổ Dasira Narada” bản thân tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Thế nhưng lần này trong khi nghe Tiểu Sử Ðức Sư Tổ đọc trong ngày sinh nhật của Ngài, tâm khảm tôi lại dấy lên những nhận thức khác lạ. Khi nghe đến đoạn “Sau 18 năm tu tập, Ngài đã đắc đạo”, tôi tự hỏi một đời người vốn chẳng là bao, thì 18 năm tu học làm sao đắc đạo như Ngài? Ðiều này nói lên rằng Ngài đã dày công tu học nhiều đời nhiều kiếp, để tìm ra phương pháp cứu nguy cho nhân loại, thoát ra khỏi cảnh trầm luân đau khổ. Ðó chính là công đức vô lượng và trí tuệ vô biên của Ngài mà chúng ta khắc tâm tưởng nhớ, đó là vốn luyến tu học và chứng nghiệm của Ngài qua nhiều kiếp tiến hóa; và đó cũng chính là Minh triết Vi Diệu Pháp, một phương tiện tu học ưu việt của Pháp môn VDPHT.


Kế đến là bài thơ “Chân Lý”, đây là món quà tinh thần mà Ðức Sư Tổ ban tặng cho thế gian. Bài thơ này là một cái bản đồ tâm linh dẫn đường cho mọi môn sinh tu học và hành đạo. Lắng tâm nghe, chúng ta thấy từng ý nghiã của từng câu thơ diễn tả một sự thật của sự vật; từng ý nghĩa của từng đoạn thơ diễn đạt những chân ý, trải nghiệm sâu xa trong cuộc đời. Từ buổi sơ khai bước vào đường đạo, Ngài dạy: “Thuyền có nước thì thuyền mới chạy, Ðạo có đời thì mới phát huy...” Nói lên ý nghĩa đời đạo song tu của pháp môn VDPHT. Điều này hàm ý, tu không có nghĩa là phải cách ly ra khỏi xã hội và đời sống bình thường của con người. Ngược lại, chính mọi hoàn cảnh trong đời sống thế gian làm nền tảng cho sự tu tiến. Kế đến, Tổ dạy cho môn sinh biết bao trải nghiệm, thử thách trên con đường tu học, ví dụ: “Vào đường tu phải tuyệt vời can đảm, Dám len mình trong nghịch cảnh mà đi.....Tu để biết việc đời đầy mâu thuẫn...Xét tận cùng để đạt lý uyên thâm...”; Và ý nghĩa cuối cùng của con đường đạo là: “Yêu nhân loại nào khác thể thân ta, Ðưa nhân loại hoàn hư về một nẻo.” Nói lên rằng toàn thể nhân loại cùng một nguồn gốc mà ra, và chỉ có con thuyền của tình thương yêu nhân loại, mới đưa con người trở về quê hương tinh thần hợp nhất.


Tuy nhiên dầu có phương tiện, dầu có bản đồ, mà không có ngọn đuốt soi đường, thì chúng ta cũng chỉ lần mò, nổi trôi trong bến mê tăm tối mà thôi. Người tu cần ngọn đuốt tâm linh, để soi sáng cho mình được vững tâm và sáng suốt đi trên con đường đạo để cập vào bờ giác. Ngọn đuốt đó là những bài Huấn Từ Tổ, là Đạo Lý Tu Học, mà Thầy Cô đã tư duy từ Minh triết của Tổ trong thế giới tu chứng, rồi chuyển sang ngôn ngữ thế gian, để giảng giải sâu xa về đạo lý, thiên cơ, cho môn sinh tu học. Vì sao mà Đạo Lý Tu Học lại gọi là ngọn đuốc tâm linh?… Vì đạo là con đường tu tiến tâm linh, mà lý của đạo là những sự giảng giải chân thật để hướng dẫn cho người tu đi đúng đường, đúng hướng. Bởi vậy, người tu cần phải học ở lý đạo để soi sáng tình đời, chứ đừng để tình đời ảnh hưởng đến lý đạo! Sự thật đã chứng minh rằng, có nhiều môn sinh đến với Pháp môn VDPHT bằng sự nhiệt tình và rất năng nổ ở buổi ban đầu, nhưng vì thiếu ý thức không nương theo lý đạo, nên đã bị tình đời lôi cuốn vào dục vọng tham lam, và trở thành những kẻ nghịch đạo phá đời.


Bài pháp của Cô năm nay dạy về tình thương của Thượng Ðế. Tình thương này bao la vô bờ bến, do đó tùy hoàn cảnh, tùy cá nhân mà mỗi người tự cảm nhận. Riêng đối với môn sinh VDPHT, tình thương là yếu tố căn bản để lập hạnh từ bi, và tạo dựng công đức, bởi vì chỉ khi nào chúng ta phát tâm thương người thì các Đấng Thiêng Liêng mới rót lực tình thương cho chúng ta truyền năng lượng giúp người có hiệu quả. Một khi chúng ta lấy tình thương chân thật để đối đãi với bịnh nhân thì người ta cũng đáp lại với tình thương và lòng tin tưởng. Ðây là nguyên lý của định luật đối đãi, mà Thầy và Cô luôn luôn nhắc nhở môn sinh. Một khi người bịnh đã tin tưởng ở ta, thì họ sẽ sẵn sàng mở tâm đón nhận năng lượng tình thương. Họ sẽ không ngần ngại thổ lộ những đau đớn thể xác, những phiền não tinh thần. Để chúng ta hiểu được căn nguyên, lúc đó chúng ta sẽ dùng từ trường năng lượng giúp trị thân bịnh và dùng tình thương và sự hiểu biết của mình để giải tỏa tâm phiền não và bất an cho họ.


Là môn sinh VDPHT, chúng ta là những người đang mang sứ mạng của tình thương mà Đức Sư Tổ giao phó. Tình thương có những khả năng thật vị diệu. Một đàn gà mẹ nhỏ nhen ốm yếu. Thế nhưng khi gặp lâm nguy, vì tình thương mà gà mẹ xòe cánh bảo vệ đàn con, rồi phồng mang phóng ra những làn sóng dũng mãnh khiến diều hâu chó dữ phải chồn bước thối lùi. Ðiều này nói lên cái mãnh lực kỳ diệu của tình thương. Một con gà mái yếu đuối mà còn có khả năng xử dụng tình thương của Thượng Ðế, huống gì con người. Bởi vậy trong bài pháp của Cô có đoạn nói: “Tình thương của Thượng Ðế bao la vô bờ bến, ngập tràn trong vũ trụ, luân lưu trong từng hơi thở của muôn loài vạn vật ”. Tình thương chân thật quả là vô biên!


Bài pháp của Thầy năm nay, giảng về “Ðịnh luật Nhân Quả rất công bằng của Tạo Hóa...”. Hầu hết mọi người cũng đã thường nghe về luật Nhân Quả. Nói một cách đơn giản, nhân là nguyên nhân hay là cái nhân, cái hạt; quả là hậu quả, hay là cái quả, cái trái. Nhân tốt thì tạo ra kết quả tốt, cây lành trái ngọt. Nhân xấu thì nhận lấy hậu quả xấu, cây yếu trái hư. Do đó nếu chúng ta làm bất cứ điều gì xấu hay tốt, dầu nhỏ nhoi hay kín đáo đến đâu, tự nó sẽ ghi sâu vào tàng thức của mình; đó là những chủng tử thiện-ác trong tâm ta. Vì sao lại gọi là chủng tử? Chủng là chích hay cấy; tử là nhân! Và tàng thức là kho tàng của sự vật, ghi lại tất cả những gì chúng ta đã tạo ra. Trên phương diện vật lý, tàng thức cũng giống như cuốn film của cái máy chụp hình, hay là cái memory card của máy computer, hay là cái hộp đen trong chiếc máy bay. Phải chăng đây là những dữ kiện để Trời Ðất phán xét chúng ta thích đáng bằng luật Nhân Quả; có nghĩa là tự tạo thì phải tự thọ; đó là nghiệp quả. Vậy thì chúng ta sẽ không còn than trời trách đất cho hoàn cảnh không may nếu có của mình, ngược lại chúng ta sẽ ý thức tu tập để dừng nghiệp, rồi phát tâm hành thiện giúp đời để trả nghiệp. Và chúng ta cũng bình thản trước hoàn cảnh bất hạnh của người khác. Bình thản không phải là thờ ơ, mà bình thản là bình tâm, quân bình và sáng suốt để ứng dụng lý đạo, rồi đem ra giúp đời mà không bị tình đời chi phối. Ðến đây chúng ta hãy hồi tưởng lại lời giảng của Thầy để mà nghiền ngẫm: “Tất cả mọi hoàn cảnh hay sự vật nào xảy ra trong thế gian đều có nguyên nhân và lý chân thật của nó”. Cũng như trong bài giảng của Cô có đoạn viết: “Những bất công, tai nạn, bịnh họan, nghèo đói, chiến tranh hay thiên tai trên cuộc đời này đều nằm trong Luật Nhân Quả”.


Bây giờ chúng ta là những người môn sinh VDPHT đang tu sửa để tam hồn của chúng ta được tiến hóa từ danh-lợi-tình lên bi-trí-dũng. Hiền nhân nói: “Một trong những hạnh dũng cảm của người tu, là hạnh biết phơi bày ra cái sai của mình để mà tự sửa”. Tự sửa ở đây có nghĩa là ta tự giác, mà tự giác là bước đầu để đi đến giác ngộ. Còn nếu mình cứ lo che dấu cái sai của mình thì làm sao mà sửa? Và cái sai mà mọi người thường vướng phải là luôn luôn che dấu cái xấu của mình, tọc mạch dèm pha người khác. Đấy thật là căn bịnh nan y. Nếu một cái tô dơ mà mình không rữa và để quên đâu đó, chỉ vài ngày sau là lên mốc lên men, ô nhiễm hôi tanh. Thử hỏi một điều xấu dơ mà mình đem dấu nhẹm vào tâm, năm này qua năm nọ, kiếp này qua kiếp khác, thì nó tệ hại biết chừng nào? Mà muốn tu sửa những sai trái trong tâm thì chúng ta phải quay vào bên trong mà sửa. Chúng ta lấy cái chân ngã để sửa sai cho cái phàm ngã, bởi vì chính cái phàm ngã trong ta đã khiến ta làm điều sai quấy. Hầu hết con người chỉ lo hướng ngoại, phô trương một vài cái đẹp bên ngoài, che đậy tham lam dơ bẩn bên trong, đuổi theo cái vọng tâm thăm thẳm, cho nên càng ngày càng xa rời bản tánh chân thiện của mình? Bởi vậy con đường tu thiền là con đường hướng nội, lấy từng cái sai của mình ra mà sửa, lấy chân ngã chiến đấu với phàm ngã, cho đến khi nào phàm ngã chịu hoà hợp với chân ngã thì đó là hoà đồng hợp nhất. Không còn tranh chấp đúng-sai, không còn sự hiện diện riêng biệt của chân ngã hay phàm ngã. Phải chăng đây chính là ý nghĩa của vô ngã, phi thiện-phi ác? Đường đến chân thiện quả là vô ngã!


Thiết nghĩ rằng, trên con đường tiến hóa là những sự đối đãi giữa chân ngã và phàm ngã ở trong ta, và những sự đối đãi giữa chân ngã và phàm ngã của ta với người:


Thứ nhất, đó là sự đối đãi giữa cái phàm ngã của ta với cái phàm ngã của người. Khi chưa tu thì mình là phàm phu, là phàm phu thì lấy phàm đối lại với phàm cũng là điều hợp lý. Nhưng đã là người tu thì chúng ta phải hiểu rằng phàm ngã là cái ta, xấu xa, ích kỷ, hơn thua. Ðem cái xấu mà đối chọi với cái xấu thì chỉ có chiến tranh tang tóc. Ví dụ, sống ở đời làm sao tránh khỏi chuyện hiểu lầm xích mích. Nếu ai đụng chạm mình rồi mình tự ái giận hờn, từ chổ ngấm ngầm rồi đi đến bùng nổ, huynh đệ tương tàng thì còn gì xót xa cho bằng. Tệ hại hơn, khi tâm đã bất an thì làm sao mà thiền định tinh tấn để sáng suốt nhận ra đâu là chân, đâu là giả; thì làm sao mà tu học thăng tiến, cản trở đường tu của mình, ảnh hưởng đường tu của người khác.


Thứ hai, đó là sự đối đãi giữa cái chân ngã và cái phàm ngã của chính bản thân mình. Tuy nhiên, phần đông thường cho rằng đó là sự đối đãi giữa cái chân ngã của mình với cái phàm ngã của người. Ví dụ: Có người đối xử tệ với mình nhưng mình học hạnh nhẫn và xã, nên vẫn tử tế lại với người ta. Ðấy là điều hay, nhưng mấy ai làm được điều này? Trừ khi họ đã vượt qua sự chi phối của định luật đối đãi. Khi đang tu thì lấy chân để đối lại với phàm cũng là điều hợp lý. Nhưng cái thằng anh em phàm ngã của chính mình nó không bao giờ để cho mình yên. Nó luôn luôn đụng chạm với người khác. Nó làm như vậy vì nó vẫn còn đang bị chi phối bởi định luật đối đãi. Rốt cuộc mình sẽ bị giằng co giữa cái chân ngã và phàm ngã của chính mình, do bị ảnh hưởng bởi cái phàm ngã của người. Vì sao mà mình bị ảnh hưởng bởi cái phàm của người khác?… “Vì mình cứ lo mải mê hướng ngoại nên thấy người này tà người kia xấu...” (Bài Pháp số-2 “Trừ Tà Trong Tâm”). Do đó con đường tu sửa là con đường hướng nội để sửa phàm tà trong tâm. Cho đến khi nào tâm mình không còn phàm ngã, thì chân ngã cũng không còn ý nghĩa! Do đó mình sẽ không còn bị chi phối bởi định luật đối đãi. Phải chăng đây là ý nghĩa của “Điều Hành Các Pháp” ?… Thầy Cô thường giảng rằng: “Người đang uống rượu thì chắc chắn phải bị chi phối bởi luật uống rượu lái xe; còn người không uống rượu thì bao nhiêu luật uống rượu lái xe cũng không chi phối được họ, ngược lại họ sẽ ứng dụng luật để điều hành chính bản thân họ và hướng dẫn người khác.”


Thứ ba, đem cái chân ngã của mình để đối đãi với cái chân ngã của người khác. Ðiều này chỉ thực tế ở những người đồng duyên, đồng hạnh nguyện mà thôi. Ðây quả là một niềm hạnh phúc thật sự của những người cùng học, cùng tu, cùng hành chữ hòa.


Lời nói chân thật vốn vô ngữ.

Tình thương chân thật vốn vô biên.

Ðường đến chân thật vốn vô ngã.

Ðời sống chân thật vốn vô tận.


Bấy nhiêu tâm tình với bạn đồng môn cùng hạnh nguyện, trong ngày sinh nhật của Ðức Sư Tổ Dasira Narada. Kính mong các bạn cùng nhau chia sẽ giáo lý của Tổ và những lời giảng dạy của Thầy Cô, trong tình huynh đệ tỷ muội nhân ái hài hòa. Nguyện cầu Ðức Sư Tổ gia hộ cho chúng con.

0 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

NS.49_Diễn Văn Mừng Sinh Nhựt Tổ

Môn sinh Kim (Thiền Đường Surrey) Ngày 14 tháng 10 năm 2011 Kính thưa đức Sư Tổ DASIRA NARADA, Thầy Cô Chưởng Môn, Ban Giảng huấn và các...

bottom of page