Giảng huấn Trần Hoàng Tùng
Bài thơ “Mười Năm Tu Học” của Cô Ngọc Hải thương tặng Thiền Đường Calgary nói riêng và tất cả môn sinh của pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền nói chung, vẫn thấm sâu trong tâm tôi cho dù buổi lễ kỹ niệm 10 năm, ngày thành lập thiền đường Calgary đã trôi qua vào tháng 8 năm 2008. Là một môn sinh tại thành phố này, tôi cũng phần nào hãnh diện cho sự phát triển tốt đẹp của thiền đường và pháp môn trong những năm gần đây. Cùng chí hướng, chúng ta đã gặt hái rất nhiều thành quả tốt đẹp, kết hợp được nhiều tinh hoa và thành lập nhiều thiền đường trên thế giới.
Xin thuật lại một điều bất thường đã xảy ra trong tôi. Sau buổi liên hoan ấy không lâu, tự nhiên tôi chợt cảm thấy hụt hẫng, như bị trúng trược hay bị một sợi giây vô hình nào đó trì kéo. Dù cố gắng che đậy nhưng tôi vẫn không dấu được sự bất an. Nhiều anh chị đã quan tâm thăm hỏi và tỏ lòng giúp đỡ, nhưng tôi đã ngại ngùng từ chối, vì không rõ nguyên nhân từ đâu. Tôi tự vấn và xoay quanh với những thắc mắc “Mình đang làm gì, và mình sẽ đi về đâu .v.v.”
Cuối cùng, tôi đã tự giải thoát bằng cách thật sự lắng nghe lòng mình trong lúc thiền định, ôn lại thật kỹ bài thơ Chân Lý của Đức Sư Tổ Dasira Narada, lời dạy của Đệ Nhị Sư Tổ Narada Mahathera. Đây cũng là dịp tốt để tôi nghe lại tất cả các bài pháp của Thầy & Cô, những bài pháp mà trước kia tôi nghe qua nhưng đã không thật sự đưa vào tâm mình. Qua đó, tôi đã hướng vào mảnh ruộng tâm của mình, cố tìm câu trả lời, tìm sự huyền bí của tâm hồn mình, tự đào xới lên những sai trái lỗi lầm và vun bồi bằng những bài pháp cao siêu ấy. Có lúc tôi cảm thấy thật sự đau đớn khi phải đối diện và giằng co với cái ‘Ta’. Tin tưởng vào pháp Tổ và đạo lý của Thầy & Cô, tôi cố dấn thân tu tập trải nghiệm, đem những bài học ra áp dụng thực tiễn vào đời sống hằng ngày. Quả nhiên, sau thời gian ngắn tôi nhận ra sự hiểu biết của mình được mở rộng, cùng lúc tôi cũng nhận ra mình đang thật sự tu học theo tư tưởng, pháp thân của Tổ, về chân lý, về sự thiện lành, cũng như lòng hy sinh và tinh thần phấn đấu trong mọi nghịch cảnh.
Tổ dạy: “Họ tất cả đều là thầy miễn phí.” Ta luôn quan sát và lắng nghe để rút ra những kinh nghiệm sống. Và nên nhớ rằng, khi ta học hỏi mọi người, thì mỗi môn sinh dù muốn dù không, cũng đang bị mọi người quan sát trong mọi thời điểm. Chúng ta đều biết rằng, ngoài lực của ta còn có sự gia trì của Tổ và các hộ pháp vô hình. Các vị này cũng đang theo Tổ tu hành, vì vậy trong lúc thực hành truyền năng lượng, đặt bịnh cho tha nhân, một khi lời nói việc làm và ý nghĩ của ta không trong sạch trang nghiêm thì lực lượng vô hình này sẽ tan biến ngay. Do đó, ta có thể mang tội phá hoại pháp môn vì người bịnh có thể đánh giá sai lầm. Dần dà, những điều tổn phước này sẽ dội ngược lại tạo thành bao nỗi nặng trược. Vô hình chung, chúng ta đã vô tình đi ngược với ý nguyện là tạo nghiệp lành, lập chút công đức trong thời gian ngắn ngủi quí báu ở thiền đường.
“Đời sống mặc dù quý, quả thật là bấp bênh vô định..” Lời dạy của Đệ Nhị Sư Tổ về đời sống của con người tuy quý nhưng không thật và ngắn ngủi. Vì không thật, nên ta không nắm giữ được, và cũng không quyết định được sự sống còn của ta. Nó ngắn ngủi vì xã hội ngày càng phức tạp, con người bị nhiều giao động về niềm tin. Kết quả là đạo lý bị suy đồi và tâm linh suy thoái. Tâm trí con người đầy rẫy những sự đau khổ bất an, tham lam, ích kỷ, thù hận, hung bạo... Sống trong môi sinh như vậy, chúng ta không thể tránh được thân bịnh và tâm bịnh. Do đó cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Tội nghiệp thay cho những người có tư tưởng cố bám víu vào những giả tạo thế gian. Phải chăng vì họ sợ mất đi những gì họ đang có và sẽ phải đương đầu với những nghiệp quả mà họ đã gây ra? Vậy tốt hơn hết, ta nên chấp nhận về một sự việc không thể cưỡng lại, để sẵn sàng đối đầu hầu thoát ra khỏi nỗi sợ hãi trên.
Thật may mắn cho chúng ta được theo dự phần học pháp môn VDPHT với tôn chỉ là diệt khổ và giải thoát. Với sự hướng dẫn tận tình và kỹ thuật sáng tạo của Thầy & Cô, chúng ta được khai tâm mở trí bằng những phương tiện rất thực tế. Các môn sinh nhờ đó có cơ hội hành pháp, nâng cao trình độ hiểu biết tâm linh, cứu mình và cứu người thoát khỏi cảnh trầm luân đau khổ của thế gian, đem về những công quả thành tựu vĩnh hằng. Nền khoa học đã phát triển vượt bực và con người ngày nay văn minh tiến bộ, chúng ta phải học theo lời Tổ sống với đương niệm, tìm con đường phù hợp với lối sống mới, quan niệm mới, từ bỏ những tập tục mang tính cách hình thức, cổ hủ mê tín và lạc hậu. Chúng ta cố nhận ra sai lầm của bản thân, hầu thoát khỏi những ràng buộc. Ngay từ cấp một, Tổ ban cho chúng ta hai quyền lợi căn bản và thiêng liêng, đó là quyền tự chữa bịnh cho bản thân và quyền không giận người khác. Tổ không ràng buộc ta vào giới luật, để ta có thể từng bước gạt bỏ tánh xấu, nhận ra lợi ích để thay đổi. Tôi lần cảm nhận sự nhẹ nhàng trong tư tưởng, và tinh tấn hơn vào công việc phục vụ cho sự tiến hóa chung. Đó cũng là nhờ tôi có cơ hội đi theo Thầy & Cô, các vị giảng huấn và các huynh trưởng trong những dịp tổ chức các lớp học thiền. Thời gian đó thật khó quên, vì tôi đã sống rất bình an, chân thật và hạnh phúc hòa đồng. Tôi như không còn sống cho riêng mình, tạm thời thoát ly ra khỏi các dục vọng, những lo toan tính toán đời thường, nhờ đó dẹp được đi nhiều phiền não. Tôi hiểu ra ý của Tổ giảng dạy, muốn diệt khổ thì không được chấp nhận và an trú vào hoàn cảnh hiện tại mà phải tạo ra hoàn cảnh mới, nhân duyên mới, trên cho con đường phụng sự tiến hoá cho thế hệ này và mai sau.
Nhờ những thuận duyên đưa đến, cuộc đời tôi được thay đổi theo chiều hướng thanh cao và thực hành thiền định có kết quả tốt hơn. Một khi tu thiền đúng phương pháp, mỗi môn sinh là một nhà máy thanh lọc cho bản thân và môi trường. Hằng ngày chúng ta sống trong môi trường đầy những trược khí, nhưng nhờ phương pháp thiền định thiết thực, ta giữ tâm hồn mình được bình an, cầu lực gia trì của Tổ cùng lúc tiếp thu những thanh khí từ vũ trụ, và đẩy ra những trược chất ô nhiễm trong bản thân. Từ đó ta có thể phát ra những tư tưởng thương yêu thanh cao nhẹ nhàng, như các cây xanh đang hút khí Co2 và thải ra khí O2 nuôi sống muôn loài. Lực gia trì của Tổ bảo vệ ta đi vào cuộc đời phức tạp, tiếp xúc tha nhân nhưng không bị vướng trược. Vì ta không cố chấp vào những gì ta đã làm và làm cho ai, ta tiếp xúc với tha nhân mang nhiều bịnh, phiền não và nghiệp, giống như là đất, nước và phân để nuôi hạt giống Bồ Đề của mình. Vì theo pháp Tổ tu hạnh Bồ Tát là phải chấp nhận gánh chịu mọi hy sinh, cố gắng kiên tâm bền chí gầy dựng đức tính chịu đựng. Từ đó ta có cơ hội học hỏi để rút kinh nghiệm. Họ là ân nhân giúp ta phát triển căn lành, tiêu trừ nghiệp ác để nhanh chóng trên con đường trở về nguồn cội.
Pháp Tổ cao siêu như vậy, sao trước đây tôi đã dại dột làm sai? Thì ra tôi đã từng nói những điều lượm được của các đấng cứu độ rồi đi phổ biến để chứng tỏ tôi cũng là người hiểu biết. Nhưng càng nói ra, tôi càng bộc lộ những điều thiếu sót, trống vắng của bản thân. Vì tôi thiếu hành; thực hành không đúng, nên không đáp ứng được yêu cầu chung. Cho đến khi trải nghiệm mới nhận ra kiến thức mình còn non nớt nên hay phạm lỗi lầm.
Từ sai lầm đó tôi biết cảm thông với tha nhân và diệt được tánh kiêu mạn, nóng giận. Nếu ai chưa từng đau khổ vì bịnh, trược thì sẽ không thông cảm được với bịnh nhân và môn sinh mới. Như vậy có phải những bài học đau khổ là những bài học kinh nghiệm quý báu và cần thiết cho tôi vượt ra khỏi sự thấp hèn tội lỗi, để ra khỏi nghiệp dữ, bước vào nghiệp lành. Vậy nghiệp đã dẫn dắt tôi đi vào cay đắng đau khổ hay nghiệp dẫn tôi thoát ra khỏi sự u mê? Sao mâu thuẫn vậy, cái gì trong tôi đang tranh đấu giữa điều phải và điều trái? Phải chăng đây là ý của câu ‘‘Tu để thấy việc đời đầy mâu thuẫn..’’ mà Tổ đã dạy? Có phải khi chúng ta gặp nghịch cảnh chướng ngại trên đường đời là những lúc các đấng thiêng liêng đang tẩy rửa và thử tâm ; trình độ của chúng ta? Như vậy có phải sự suy nghĩ của chúng ta thường 180 độ so với chân lý, với sự chỉ dạy của các đấng thiêng liêng? Như thế sự sống đâu phải là nhỏ bé ngắn ngủi nữa, mà có thể là một chuỗi liên tục từ một lớp học này sang đến một lớp học khác, giúp cho linh hồn tiến hoá, nếm đủ mùi vị khổ đau, hạnh phúc giả tạo của cuộc đời. Vì vậy, khi đã nhận ra không còn cái con người thấp bé, thì ta không nên lo sợ mà phải nên tập trung thời gian và công sức vào giúp đỡ tha nhân và đi tìm cái thật sự trường tồn vĩnh hằng.
Nương theo Tổ, ta nhận được thật nhiều sức khoẻ, an lạc, phước, công đức và trí tuệ, nhưng Ngài dạy đã không ban phát gì cho ta. Bằng những minh triết và tư tưởng chứng đắc thiêng liêng, Tổ dạy ta biết mình là ai, mỗi người điều có cơ hội và phương tiện tu học tiến hóa. Khi ta quyết định tu học thì Tổ là người bạn đồng hành với chúng ta. Phải chăng đây là chân lý bình đẳng, hòa đồng mà Tổ đã dạy? Tổ từng dạy cho ta nhận ra được vũ trụ, con người và vạn vật là một tổng thể bất khả phân, vì tất cả xuất phát cùng một nguồn gốc đó là Thượng Đế. Vậy để được Tổ làm bạn đồng hành (để ta được tốt đẹp, an lạc và thảnh thơi) chúng ta phải mở tâm và tập làm, tập nói và tập suy nghĩ giống như Tổ. Tình thương của Tổ bao trùm tất cả muôn loài vạn vật, vậy ta cũng phải phát tâm hoà hợp, thương yêu và cứu độ chúng sinh. Đó cũng là phương tiện để ta trả nợ cho chúng sinh, giải trừ nghiệp chướng.
Một sự kính trọng luôn tràn dâng trong lòng, mỗi khi tôi nhìn lên ảnh của Tổ. Dù biết rằng đây chỉ là tấm ảnh để cho các môn sinh máng tâm mình vào khi bị bất an, nhưng hình ảnh vị Tổ Sư ra đi tìm đường tu học chân lý, giải thoát khỏi ràng buộc thế gian thật quá cao cả. Hình Tổ thật đơn giản, có chi ngoài tấm áo, túi vải và trên tay cây gậy thô sơ. Đôi khi hình ảnh đó thật cao xa, nhưng lại có lúc tôi cảm thấy thật gần gũi. Trong tôi nảy lên tình cảm vừa thương kính vừa e ngại, cùng lúc lại có ước muốn được Tổ cầm gậy điểm hoá, để đánh thức người học trò này ra khỏi những mê vọng và ảo tưởng. Không, tôi không hề được thấy Tổ, nhưng có niềm tin về thần lực của Tổ luôn gia trì độ lực, che chở cứu giúp trong những tai nạn gần kề, hay được an ủi trong những giây phút đơn độc. Niềm tin này đem đến sự nhẹ nhàng và sự thận trọng vì biết rằng trong vô hình, Tổ hằng luôn quan sát mình. Tôi nhận ra được sự vĩ đại về lòng từ bi và trí tuệ của Tổ. Ngoài việc rèn luyện các môn sinh được thân khoẻ mạnh, tâm thanh tịnh, Ngài đang chuẩn bị hành trang tâm thức về đạo đức, tình thương, sự sáng suốt, sự dũng cảm và sức chịu đựng phi thường, hầu cho các môn sinh có thể đối diện với những thay đổi đang và sẽ xảy ra cho trái đất, trên cuộc hành trình tiến hoá tâm linh trở về nguồn cội. Tổ đã nhắc nhở về thời kỳ biến thiên, thanh lọc, nhân loại thay đổi chuyển hoá lên thời kỳ Thánh Đức. Và pháp Tổ là con đường tắt, là xa lộ để các môn sinh có cơ hội trở về quê hương tinh thần mau chóng. Vậy mỗi chúng ta hãy tập luyện và chuẩn bị vững tay lái cho theo kịp và hòa nhịp vào giòng vận hành của vũ trụ.
Tôi đã suy nghĩ từ lâu, có nên nói ra những điều lỗi lầm này, chỉ xin trình lên đây như là bài viết của người học trò, để Thầy và Cô và các vị huynh trưởng xem xét, chỉ dạy thêm. Pháp môn VDPHT ngày càng phát triển, nhiều thiền sư và thiền sinh đã đạt được sức khoẻ tốt, tư tưởng vững chắc và hiểu biết trong sáng. Trên con đường tu học tâm linh, tôi hy vọng phát triển trí tuệ để linh hồn có cơ hội chứng nghiệm và phát huy sự dũng cảm giúp thoát ra các sự ràng buộc, khắc phục được sự yếu hèn. Cầu mong có nhiều bạn đồng hành cùng hạnh nguyện sống với tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến, biết lấy pháp Tổ làm lẽ sống, làm phương tiện cứu cánh. Có như thế, ta mới hy vọng thu nhận được ánh từ quang của Tổ chiếu đến mảnh ruộng tâm đang vun xới của mình, giúp cho hoa màu trí giác nở ra. Hoa sẽ luôn thơm ngát và lan rộng, làm đẹp cuộc đời thêm mãi. Một khi trí giác đã mở ra, tâm ta sẽ tự ý thức những cảm giác nhẹ nhàng, an vui và hạnh phúc. Hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều môn sinh hơn nữa theo pháp Tổ tu hạnh Bồ Tát, sẵn sàng theo kịp với trào lưu của pháp môn đã và đang được Thầy Cô Chưởng môn và các giảng huấn mở đường. Chúng ta sẽ cùng thừa hưởng sự nghiệp vô giá của Đức Sư Tổ, cùng lãnh trọng trách mang ánh sáng chân lý, niềm an vui hạnh phúc và những huấn từ thiêng liêng đến cứu độ cho tha nhân ở mọi quốc gia trên thế giới, hầu khai phá và cải biến những mảnh ruộng hoang thành những Tâm Điền Nở Hoa.