Giảng huấn Lưu Nguyễn
Lời Phật dạy: Nếu thấy ta bằng sắc tướng, nếu nghe ta bằng âm thanh, người ấy đi đường tà, không thấy được Như Lai.
Lời Chúa dạy: Phúc cho những ai không thấy mà tin.
Lời Tổ dạy: Nếu tin ta mà không hiểu ta là phỉ bang ta.
Nếu ta chỉ xét đoán câu nói của các Ngài trên phương diện ngôn từ, thì ta chỉ thấy sự khác biệt. Bởi vì khi các Ngài nói ở vào thời điểm khác nhau, nơi chốn cũng như trình độ dân trí khác nhau. Nhưng xét về ý thì như không khác.
Vốn dĩ con người ở thế gian thường có tính kỳ thị, từ đó dẫn đến sự chia rẽ, bất đồng. Chỉ trên phương diện tôn giáo mà thôi, đã có biết bao nhiêu điều khiến người ta phải đau lòng. Đấng tạo hóa chỉ có một. Chân lý chỉ có một. Các đấng cứu thế đến với thế gian để cứu nhân loại, các Ngài buộc phải dùng sắc tướng và ngôn ngữ của thế nhân để làm phương tiện, ngỏ hầu nhờ vào ánh sáng chân lý mà nhân loại có thể diệt khổ và giải thoát, tiến dần lên những bậc thang tiến hóa. Tùy theo địa phương và tiện nghi đương thời, các Ngài ứng dụng để truyền giảng chân lý, cứu độ nhân loại. Đối với các Ngài, thế nhân là một đại gia đình nhân loại. Các Ngài đến thế gian không phải để thành lập tôn giáo. Bởi các Ngài biết rằng bản tính của con người ở thế gian là kỳ thị, đố kỵ. Nếu các Ngài thành lập tôn giáo thì pháp cứu độ của các Ngài sẽ không được những người ngoài tôn giáo chấp nhận. Như vậy, các Ngài chỉ có thể cứu độ một số ít người trong phạm vi tôn giáo đó mà thôi. Các Ngài làm việc với Tâm Bình Đẳng, Lòng Từ Bi Vô Lượng, Trí Tuệ Vô Biên, nhưng chẳng có bao nhiêu người hiểu thấu và thực hiện một cách rốt ráo lời dạy của các Ngài.
Để thực hiện lời dạy của Tổ: “ Tâm mưu cầu cho hạnh phúc đại đồng. Tâm xây dựng cho mọi người chung hưởng”. Dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của nhị vị chưởng môn - Thầy Nguyễn Đức Thuận và Cô Nguyễn Ngọc Hải - từng cá nhân môn sinh ngày đêm tu tập thiền định và hành trì pháp tổ để tự cứu mình và giúp đời. Chỉ vỏn vẹn 14 năm (1996-2010) Thầy Cô tạo dựng đạo nghiệp ở Bắc Mỹ, 34 thiền đường đã được thành lập trên toàn thế giới. Thành quả tu tập, hành pháp Tổ cứu độ nhân loại không ngưng lại ở cấp độ địa phương, mà rộng khắp, mang tầm vóc quốc tế. Hiện nay châu Mỹ, châu Âu, châu Úc và châu Á đã có thiền đường của pháp môn. Riêng châu Phi, một số môn sinh gốc châu Phi đã xin Thầy Cô đem pháp Tổ về truyền dạy để cứu độ dân chúng tại quê hương của họ. Thầy Cô chưởng môn đã chấp thuận lời thỉnh thị. Trong tương lai rất gần, những hạt giống Vi Diệu Pháp Hành Thiền đầu tiên sẽ được gieo cấy trên lục địa châu Phi. Các thiền đường sẽ được thành lập, dân chúng châu Phi sẽ được hưởng ơn cứu độ. Với thành quả bước đầu, đủ chứng minh rằng pháp cứu độ của Tổ phù hợp với nhu cầu tiến hóa tâm linh của con người đang sống trong thời đại văn minh, khoa học vật chất tiến bộ đến cực điểm. Tuy nhiên, thành quả ấy còn quá nhỏ nếu đem so với những đớn đau, phiền não của nhân loại. Sỉ số môn sinh còn quá ít so với dân số trên toàn cầu. Là một môn sinh chân chính của pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, ta không thể mãn nguyện với những gì ta đã làm và đã đạt được. Ta phải luôn tỉnh táo để nhận biết rằng: Đó chỉ là một sự khởi điểm thuận lợi mà thôi.
Nay có dịp suy gẫm lại quá trình tu học và hành trì pháp Tổ của chính mình, tôi nhận ra một điều rất lý thú và vô cùng giá trị đối với bản thân tôi. Đó là những ngày đầu mới gia nhập vào pháp môn, tôi đã dùng con mắt phàm phu để đánh giá sự việc. Với con mắt ấy tôi đã thấy được sự thay đổi về sức khoẻ, sắc diện và tâm tính của những người bạn của tôi. Họ là những người có căn bệnh hiểm nghèo, thân hình tiều tụy, tính tình cộc cằn thô lỗ. Chỉ sau một thời gian ngắn họ theo học pháp Tổ, đã có được sự thay đổi và kết quả tốt đẹp. Đó là động lực giúp cho tôi có được sự gắn bó với pháp môn.
Sau những tháng năm cùng các bạn đồng môn tu học, hành trì pháp Tổ, với sự giảng dạy, dẫn dắt tận tình của Thầy Cô. Qua những bài pháp và sự vi diệu vô song của pháp Tổ đã giúp cho tôi có được con mắt đức tin. Với con mắt đức tin, tôi chỉ nhìn thấy mặt phải của sự việc, của người đối diện. Lòng tin yêu tràn đầy trong tim tôi. Tâm tôi không còn chỗ cho tỵ hiềm, đố kỵ. Tôi không để tâm hoặc lưu ý đến những thiếu sót, vụng về của người khác, bởi tôi hoàn toàn tin tưởng theo quy trình tiến hóa, họ sẽ từ từ nên tốt, nên lành.
Sự tu học của một con người không thể tính bằng tháng hay năm. Mà phải được tính bằng cả chặng đường dài của một đời người. Sự đến rồi đi, hợp rồi tan, ta thường nói và cho đó là duyên. Phải chăng đó là cách nói để làm giảm thiểu áp lực tâm lý của những người trong cuộc khi có một sự kiện xảy ra làm biến đổi mọi sự. Hoặc mang một ý nghĩa nhẹ nhàng hơn để tự trấn an chính mình. Sau những tháng năm dài tu học và hành trì pháp Tổ, tôi không chắc là huệ nhãn chúng ta đã được khai mở. Nhưng đạo nhãn chắc chắn phải có. Chúng ta không thể phủ nhận sự sắp xếp, an bài một cách tinh vi và hợp lý của bàn tay vô hình đối với sự sống của vạn vật muôn loài. Nói cách khác: với con mắt đạo nhãn, ta nhìn thấy được sự vi diệu, nhiệm mầu, và sự hiện hữu của các Đấng Thiêng Liêng. Lội ngược dòng đời để trở về quê hương tinh thần quả thật khó khăn khôn lường. Bởi xung quanh ta còn biết bao thứ trì kéo, cản trở bước chân chúng ta. Trong mỗi chúng ta ai cũng biết tu là tốt. Có tu thì mới đạt được đẳng cấp, quả vị tâm linh. Mỗi chúng ta đều nhìn nhận rằng những khó khăn trở ngại trên con đường tu đều là thử thách, khảo đảo. Tuy biết và nói lên được những điều đó, nhưng khi gặp phải khó khăn, trở ngại, người ta lại thường đổ thừa là tại, là bị, để che đậy sự hèn kém, đồng thời chối bỏ trách nhiệm. Tổ dạy “ Biết sai trái sửa sai không tái phạm. Thất bại rồi giác ngộ ắt thành công ”. Lời dạy của Tổ là muốn chúng sinh dùng đạo nhãn để nhìn nhận cái chân giả của sự việc. Khi nghịch cảnh đến với ta, nó có thể làm cho ta đau điếng, tê tái. Nhưng ta không để cho nó làm thui chột tâm đạo của ta. Ngược lại ta biến nó thành phân bón cho cội Bồ Đề thêm lớn thêm tươi. Nếu nói đến duyên thì có duyên lành và duyên dữ. Khi chuyện lành đến, ta lợi dụng thời cơ để tạo dựng sự nghiệp. Khi duyên dữ đến, ta cần phải dũng mãnh để chế ngự nó. Ta không thể buông tay đầu hàng. Rồi sau đó ta lại đổ thừa rằng duyên đã tận. Nếu ta không tỉnh táo để tự chủ, mà để cho hoàn cảnh chi phối, nghịch cảnh trì kéo thì đạo nghiệp sẽ sụp đổ, mất con đường tu. Đó chính là lúc tự ta loại mình ra khỏi quỹ đạo của quy trình tiến hóa của nhân loại. Và đó cũng chính là định luật bất biến của cơ tiến hóa. Là chân lý.
Chúng ta đang sống ở vào thời kỳ cuối của thời mạt pháp. Gặp được pháp cứu độ của Đức Sư Tổ Dasira Narada, hãy nắm bắt lấy, đừng làm mất cơ hội tiến hóa của chính mình. Huệ nhãn chắc chắn được khai mở khi ta tận tường thấu đáo nguyên lý của sự sống. Mọi sự như được dàn trải, phơi bày trước con mắt trí tuệ.