Nhìn qua khung cửa chiếc máy bay Boeing 737 từ Houston về California vào những ngày cuối tháng 10, tôi thấy xa xa dưới kia những sông hồ vạch lên những cánh đồng thành những đường cong ngoằn ngoèo với cây xanh chập chùng thuộc địa phận Texas, làm tôi nhớ những sông nước miền tây quê tôi những ngày của thập niên 60, cũng sông rạch, ruộng lúa tiếp nối nhau sắp xếp thành những ô hình vuông, hình thang, hình chữ nhật chi chít như bàn cờ chạy miết cuối chân trời…khi tôi có dịp đi trên những chuyến bay giữa nơi này qua nơi khác vào những ngày tháng cũ…
Sau gần hai giờ bay, cảnh vật dưới kia lại bắt đầu thay đổi. Hình dáng mặt đất không còn là sông hồ rừng lá xanh um nữa mà là những truông cát dài mút tầm mắt, những đỉnh núi dường như cũng làm bằng cát nhọn hoắc nằm chơ vơ giữa những bãi cát giống như sa mạc chạy dài bất tận. Nhìn thật kỹ rất lâu tôi mới nhận ra con đường xa lộ xuyên bang như một vạch viết chì trên tấm bản đồ với vài chiếc xe bò như con kiến qua vùng cát mịn màu ngà ngà vàng ấy, tôi nghĩ rằng trước một thiên nhiên bao la như vùng cát mịn dưới kia con người quả là những sinh vật nhỏ bé biết dường nào!
Không như lần trước, tháng Bảy, mùa Hè vừa rồi, tôi về vùng núi đồi Topanga Canyon thuộc vùng Santa Monica của Los Angeles, dự đám cưới trên đồi (1) với tám tượng Phật ngự bên triền dốc của một ngọn đồi cao cùng phong tục và nghi thức rất lạ; lần này tôi ghé lại vùng Orange County, nơi có rất nhiều người Việt cư ngụ, mà nhắc tới California, ai cũng nghĩ đây là nơi có đông người Việt mình nhất so với các vùng đất khác trên thế giới. Phi trường Santa Ana không xa thành phố Westminster là mấy. Xe chạy đâu chừng nửa giờ chúng tôi đã đến được vùng Garden Grove với những con đường nghe tên quen quen qua báo chí mà chưa gặp mặt lần nào như đường Bolsa, đường Westminster, đường Brookhurt, đường Garden Grove ….
Cảm tưởng đến với tôi lúc bấy giờ là nhà cửa nơi đây dường như lúp xúp qua những bờ rào cao gần ngang bằng mái nhà; còn phố xá thì bảng hiệu viết bằng chữ Việt nhiều hơn các bảng hiệu tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn, tiếng Tàu, tiếng Anh. Tôi có thấy nhà sách Tự Lực trên đường Brookhurt, nhà sách Tú Quỳnh trên đường Bolsa, rồi cũng thấy cả khu Phước Lộc Thọ mà mỗi lần có ai nhắc về California, người ta không quên nhắc về khu thương mại sầm uất trù mật này. Rồi những khu chợ Việt, chợ Tàu, nhà hàng, tiệm ăn đầy nhóc trên các con đường không kể xiết. Vì không có thời giờ nhiều, nên những nơi vừa kể tôi chỉ nhớ qua chừng ấy qua những lần xe chạy băng qua những con đường quen tên ấy sau những giờ dự ba ngày cho một khóa học cấp 4 Vi Diệu Pháp Hành Thiền (VDPHT) tổ chức tại một phòng hội trong khuôn viên thành phố Westminster, nằm trên đường cùng tên với thành phố. Dù vậy, tôi cũng nhín chút giờ rảnh ghé ngang qua nhà sách trên đường Bolsa năm mười phút để nhìn lướt qua vài kệ sách nơi đây để xem nơi đây họ bán những loại sách gì… Việc ghé lại nhìn ngắm các kệ sách trong một nhà sách vừa kể là một trong các niềm vui của tôi có từ lúc còn là học trò trường tỉnh mà nay tuổi đời đã không còn trẻ trung gì nhưng sao tôi vẫn thấy việc tìm các tiệm sách mà bất cứ nơi nào tôi có dịp ghé qua cũng là một trong các niềm vui…
Khi tôi bước vào cửa, nhà sách Văn Bút lúc bấy giờ chưa có khách, chỉ có ông chủ đang ngồi ăn điểm tâm nhìn tôi với câu hỏi không mấy thân thiện:Ông cần sách gì?Tôi vọt miệng:Ông giúp tôi tìm kệ sách Nguyễn Hiến Lê.
Vài kệ sách trong nhà sách Văn Bút trên đường BolsaNgười chủ buông đũa, dẫn tôi vào bên trái quầy tính tiền với kệ sách chất đầy những sách mà tôi muốn tìm. Thiệt tình trong bụng là muốn tìm mua vài cuốn “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, “Đế Thiên Đế Thích” hai cuốn vừa là du ký vừa là biên khảo của Nguyễn Hiến Lê để tặng cho vài người bạn trẻ, nhưng loại sách này nay ở đây đã hết. Vì thời gian không có nhiều, nên tôi vội mua cuốn “Đông Kinh Nghĩa Thục” của cùng tác giả. Nói về sách Nguyễn Hiến Lê, tôi sưu tập khá nhiều từ biên khảo tới dịch thuật, từ loại sách học làm người đến các sách luyện văn, các tác phẩm của ông tôi đều mê lối viết rõ ràng, khúc chiết mà chan chứa tấm lòng vì văn chương học thuật đã đành mà vì muốn giáo dục thế hệ trẻ nữa. Tôi mê đến độ nghĩ rằng chỉ cần đọc lời tựa trong tất cả các sách ấy của ông cũng đủ làm cho người đọc thấy đáng đồng tiền bát gạo bỏ công đi tìm mua sách của ông rồi! Tôi đọc rất nhiều lời Tựa, nhưng tôi chưa thấy ai viết lời tựa hay như ông. Vì không có thời giờ nhiều, nên tôi chào ông chủ nhà sách và đi về lớp học.
Với 242 môn sinh cấp 3 từ trên 40 thiền đường khắp nơi trên thế giới cùng về dự lớp tu học cấp 4 lần này như Cadada, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Hồng Kông, Việt Nam, như những ngày vui của một lần hội ngộ của những người có cùng ước nguyện tu tâm thiền định mà còn là niềm vui của những người cùng dòng giống Việt vì hoàn cảnh phải sống xa chốn cố hương cùng khắp mọi góc biển chân trời.
Từ Canada, chúng tôi thấy có môn sinh của các thiền đường London, Brampton, Calgary 1 & 2, Edmonton, Montréal 1&2, Ottawa, Surrey, Mississauga và Toronto. Ở Hoa Kỳ có sự hiện diện của môn sinh các thiền đường Boston thuộc tiểu bang Massachusettes, Houston, Nasa, và Holly thuộc tiểu bang Texas, rồi thiền đường Orange County, Rosemead, San Jose thuộc tiểu bang California; ngoài ra, còn có thiền đường New York và thiền đường Georgia của hai tiểu bang cùng tên. Thêm vào đó có môn sinh thiền đường Sydney thuộc Uc Đại Lợi, thiền đường Hồng Kông, và Việt Nam có các môn sinh thiền đường Sóc Trăng, Bình Đại (Bến Tre), Hồng Bàng (Sài Gòn) và Vũng Tàu.
Vốn trước đây hơn hai năm, qua giới thiệu của một người quen được biết anh Lê Văn Ngọc, là một kỹ sư Nông Lâm hồi còn học chương trình Pháp ở Sài Gòn, từ Boston xuống cư ngụ vùng Sugerland (Texas) và anh có học qua pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền này lâu rồi, và anh lại có nhã ý phát tâm mở lớp tu học về pháp môn này từ những ngày ấy với một thiền đường tại Houston để giúp có nơi cho các môn sinh sau khi học xong cấp 1&2, có nơi hành thiền cứu đời và giúp người.
Anh Lê Văn Ngọc, Thiền Đường Trưởng Houston, nhận bằng tưởng lục do Thầy Nguyễn Đức Thuận và Cô Nguyễn Ngọc Hải, đồng Chưởng Môn, trao tặng nhân dịp lễ sinh nhật 165 Đức Sư Tổ Dasira Narada
Bảng Hướng dẫn vào lớp họcVề lớp tu học cấp 4, xin mời bạn nghe ông Phạm Phú Hay,75 tuổi, ở Rosemead,sau 13 năm tu học, một trong tám vị giảng huấn, trả lời phỏng vấn báo Người Việt, dịp lễ kỷ niệm sinh nhựt thứ 165 Đức Sư Tổ Dasira Narada, như sau:
“Tôi đã giảng huấn các lớp được bốn năm. Tùy công đức của tu sinh cống hiến cho con người và cho xã hội để một tu sinh được cho lên cấp.”
Ông cho biết có tất cả bảy cấp tu. Một môn sinh phải ít nhất là 18 tuổi, không phân biệt nam, nữ, tôn giáo. Cấp 1 và 2 dành cho người mới học. Phải mất từ ba đến sáu tháng học truyền năng lượng cho người khác trước khi được lên cấp 3. Từ cấp 4 trở lên, như trường hợp của khóa tu ba ngày vào cuối tuần vừa rồi, được gọi là cấp cao lên đến cấp 7 là cao nhất. Tất cả các lớp học đều miễn phí. Ông Hay cho biết Hội Vi Diệu Pháp Hành Thiền là một hội bất vụ lợi, dấn thân và hy sinh cho xã hội, trụ sở chính đặt tại Seatle, Washington.”
Ông Hay còn cho biết năm nay pháp môn đã đào tạo được thêm 15 vị giảng huấn nữa, nâng tổng số lên 23 giảng huấn. Ông nhấn mạnh: “Ðây là thiền đặc biệt. Thiền để chữa bệnh và để chuyển tâm và trí tuệ sáng suốt, khác với thiền để tĩnh tâm. Vì thế, các môn sinh bắt buộc phải qua các lớp tu học.”(2)
Do vậy, những môn sinh dự khoá học cấp 4 cũng đã phải trì chí thiền định và hành thiền trong việc trị bịnh giúp đời trong vòng trên dưới hai năm. Diễn tiến của khoá học vào hai ngày đầu, mỗi ngày vào sáng sớm, các môn sinh dùng điểm tâm do ban tổ chức lo liệu. Sau đó, tập trung vào lớp ngồi thiền định với thời gian là hai giờ. Sau hai giờ thiền định, các môn sinh được nghỉ xả hơi năm mười phút và rồi trở lại phòng học để nghe nhị vị Thầy và Cô đồng Chưởng môn giảng các bài pháp tu học.
Nói về ý nghĩa các bài pháp, Cô đồng Chưởng môn Nguyễn Ngọc Hải có nhắc:“Những bài pháp là những món quà tuyệt vời, xin tất cả lắng lòng mừng sinh nhật tổ, vị cứu tinh của nhân loại. Hơn 18 năm tu học, ngài đã đạt được lục thông, khai thông luân xa, giúp con người thức tỉnh, thoát khỏi sự thấp hèn.”(3)
Nhắc về Đức Sư Tổ, trước một cử toạ khoảng 450 người gồm quan khách và các môn sinh khắp nơi trên thế giới về dự Đại Lễ Kỷ Niệm Sinh Nhật lần thứ 165 của Đức Sư Tổ Dasira Narada, ngày 24-10-2011, tổ chức tại hội trường Westminster Rose Center, thuộc thành phố Westminster, vị bác sĩ người Canada, thuộc thiền đường Ottawa, bác sĩ Lisa Cross phát biểu cảm tưởng nhân kỷ niệm lần thứ 165 sinh nhựt đức Sư Tổ:
“Cũng như hầu hết các môn sinh, tôi đã đọc đi đọc lại tiểu sử Đức Sư Tổ Dasira Narada. Trong giây phút suy tư, có lần tôi thầm tính nhẩm rằng : Đức Sư Tổ sanh ra tại thành phố Columbo nước Tích Lan vào năm 1846, Ngài đậu bằng tiến sĩ triết học Đông Phương năm ngài mới 25 tuổi. Noi theo chân phụ thân là một quan chức ngoại giao, Ngài làm việc cho chính phủ Tích Lan cho đến năm 1893. Là con trai một của một gia đình quyền quí, thế mà Ngài từ bỏ sự thừa hưởng của cải giàu sang. Ngài từ bỏ địa vị danh vọng quyền thế, một tương lai huy hoàng mà mọi người đều ham muốn. Ngài đã bỏ lại sau lưng tất cả để tiến về dãy Hy Mã Lạp Sơn phía trước, lúc đó Ngài được 47 tuổi. Sau 18 năm tu tập với một tấm long nhiệt thành và một ý chí kiên trì tìm đường giải thoát. Ngài đã chứng đắc Trí Đạt Thông, hòa nhập Tâm Thức Vũ Trụ, thấu hiểu Chân Lý Huyền Vi, từ đó Ngài đã suy nghĩ hầu tìm ra một minh triết sâu rộng và khai sáng phương pháp Khoa Học Tâm Linh Vi Diệu Pháp hành Thiền. Sau khi đắc đạo, Đức sư Tổ Dasira Narada rời dãy Hy Mã Lạp Sơn, du hóa khắp nơi và bắt đầu truyền giảng Pháp. Lúc đó Ngài đã 65 tuổi, ở tuổi này hầu hết mọi người đã về nghỉ hưu! Còn Ngài thì dóc lòng đi truyền dạy Pháp trong suốt 5 năm, đồng thời tìm người thừa kế. Cho đến năm 1916, Ngài đã tìm được một truyền nhân, lúc đó Ngài đã 70 tuổi, Ngài đặt hết niềm tin, huấn luyện và truyền lại tất cả tri thức tu học cho người đó trong vòng 8 năm nữa. Đức Sư Tổ lại ra đi lần cuối cùng vào năm 1924, lúc Ngài 78 tuổi, lần này không ai biết Ngài đi đâu và từ đó không ai còn thấy Ngài. Hôm nay chúng ta ôn lại tiểu sử của Ngài để tưởng nhớ và tri ân sự hy sinh và cống hiến vĩ đại của Ngài cho nhân loại. Tri thức và công đức của Ngài đã khơi lên những đức tính cao thượng trong ta. Vi Diệu Pháp của Ngài đã thật sự chuyển biến tâm thức của chúng ta một cách vi diệu.”(4)
Bác sĩ Lisa Cross và giảng sư Nguyễn Thể Tín thuộc thiền đường Mississauga (Canada) phát biểu cảm tưởng trong lễ sinh nhật 165 Đức Sư Tổ Dasira Narada.
Dịp này, nhắc về Ngài Đệ Nhị Đức Sư Tổ, giảng huấn Nguyễn Lâm thuộc Thiền Đường San Ferdino Valley nói: “Ngài Đệ Nhị Sư Tổ vốn xuất thân từ trường giòng Thiên Chúa giáo, nhưng sau khi thọ nhận trách nhiệm giao phó của Đức Sư tổ Dasira Narada, Ngài đã chuyển sang Phật Giáo Nam Tông để tu tập với pháp danh Narada Mahathera, tuy nhiên Ngài vẫn tiếp tục âm thầm tu học và gìn giữ Vi Diệu Pháp Hành Thiền. Do có nhiều duyên lành với Việt Nam, trên bước đường hoằng pháp khắp nơi vào những thập niên 1930-1950, Đệ Nhị Sư Tổ đã có nhiều dịp ghé sang và đi khắp mọi miền Việt Nam. Ngài đã thay mặt Phật Giáo Ấn Độ đem tặng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ngọc Xá Lợi, Kinh Tạng và cây Bồ Đề - di tích của Phật Thích Ca. Năm 1972, Đệ Nhị Sư Tô trở lại Việt Nam lần cuối cùng và đã mật truyền Vi Diệu Pháp Hành Thiền cho năm người Việt Nam (gồm bốn nam và một nữ) gìn giữ. Năm 1974, Ngài trở về nước Tích lan, từ đó không quay trở lại Việt Nam nữa. Chủ nhật, ngày 02 tháng 10, năm 1983, Ngài đệ Nhị Sư Tổ viên tịch tại chùa Vajirama, là nơi Ngài làm Tăng trưởng và Chưởng quản trong những năm cuối của đời Ngài. Đệ Nhị Sư Tổ hưởng thọ 85 tuổi. Tang lễ của Ngài được chính phủ và Phật tử Tích Lan cử hành trọng thể theo nghi tức quốc tang.”(5)
Thầy Chưởng Môn Nguyễn Đức Thuận giảng pháp cho khóa tu học
Phó Thị Trưởng Tyler Diệp (trái) trao tặng bằng tưởng lục của thành phố Westminster đến thầy Chưởng Môn Nguyễn Ðức Thuận, đứng giữa là cô Nguyễn Ngọc Hải, đồng Chưởng Môn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Các nữ môn sinh thiền đường Houston (Texas) dự khoá tu học cấp 4.
Các môn sinh trẻ thiền đường New York
Các môn sinh thiền đường Holly (Texas)
Thầy Nguyễn Đức Thuận và Cô Nguyễn Ngọc Hải cùng ban Giảng Huấn niệm hương trước bàn thờ Đức Sư Tổ Dasira Narada.
Dịp này, nhắc về Thầy Nguyễn Đức Thuận và Cô Nguyễn Ngọc Hải, đồng Chưởng Môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, bác sĩ Lisa Cross nói:
“Hai vị Thầy kính yêu của chúng ta, Thầy Thuận và Cô Hải là hai người duy nhất thọ nhận tất cả Pháp Tổ từ năm người Việt Nam, 4 nam và 1 nữ. Trong khoảng thời gian từ 1972-1974, Đệ Nhị Sư Tổ đã mật truyền Vi Diệu Pháp Hành Thiền cho họ giữ gìn. Khi duyên lành, Thầy Cô kính thương của chúng ta đã đem Pháp Tổ đến Bắc Mỹ vào năm 1996. Thầy Cô thành lập pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền và mở Thiền Đường Seattle, cũng từ đó Thiền Đường Seattle trở thành căn nhà tâm linh của tất cả chúng ta. Trong những năm tháng qua, Thầy Cô đi đến nhiều nơi trên thế giới, mở lớp dạy thiền, giao hưởng tâm thức, hướng dẫn thiền định và nguyên lý truyền năng lượng. Ai ai cũng học được, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da, miễn là phải trên 18 tuổi. Thầy Cô đã đem tất cả tình thương và sự hiểu biết chân thật của mình gói ghém vàotừng lời giảng dạy cho môn sinh.”(6)
Nhắc về việc đào tạo các vị giảng huấn và mở rộng việc hoằng pháp của Thầy Cô, bác sĩ Lisa Cross nói:
“Hiện nay đã có hơn 40 Thiền Đường khắp nơi trên thế giới.Thầy Cô cũng đã đào tạo nhiều Giảng Huấn Viên cao cấp có đạo hạnh tốt mà chúng tôi rất tin tưởng, ngưỡng mộ và cố gắng noi theo. Mới đây, Thầy Cô lại ấn chứng thêm 15 vị Giảng Huấn nữa, để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của pháp môn. Bên cạnh đó, Thầy Cô luôn theo sát và khuyến khích chương trình phiên dịch Pháp Tổ thành nhiều ngôn ngữ. Hiện nay chúng ta đã có tài liệu tu học cho các thứ tiếng: Việt Nam, Anh, Pháp, Trung Hoa, Cam Bốt, và Tây Ban Nha. Hồi tháng 9 vừa rồi, Thầy Cô đã cho phép và hổ trợ Thiền Đường Ottawa- Canada mở lớp Cấp I&II. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên lớp học được giảng dạy bằng Anh ngữ. Lớp học này rất thành công, ghi dấu thêm một nấc thang có tính chất lịch sử.”(7)Và bác sĩ Lisa Cross chia sẻ tiếp:
“Thầy Cô luôn giáo huấn và dìu dắt chúng ta qua các chặn đường khó khăn đầy nghịch cảnh. Những lúc đó lời giảng dạy của Thầy Cô lại càng thực tế và thâm thúy hơn. tất cả mọi hoàn cảnh thế gian mà chúng ta đang gặp phải (…) Thầy Cô tận tụy dạy cho chúng ta những bài học của lòng vị tha và tình thương nhân loại, để chúng ta dần dần thoát ra khỏi cái bản ngã thấp hèn, chấp mình, chấp ta, chấp người, chấp phong tục, chính trị, dân tộc. đó là những hàng rào nghiệp chướng ngăn cách chính bản thân ta, và giữa ta với đời. (…) Bạn có biết rằng chúng ta rất may mắn lắm không? Mặc dù một số chúng ta không đồng ngôn ngữ hay ở xa Thầy Cô, nhưng không có gì ngăn cách được, bởi vì khả năng thị hiện của Thầy Cô, những vị Chân Sư, đang liên tục chuyển hóa tâm thức của chúng ta.”(8)
Phó Thị Trưởng Garden Grove Steve Jones và Nghị viên Dina Nguyễn trao bằng tưởng lục cho nhị vị Chưởng Môn Thầy Nguyễn Đức Thuận và Cô Nguyễn Ngọc Hải
Phó Thị Trưởng thành phố Westminster Tyler Diệp trao bằng tưởng lục nhị vị Chưởng Môn Thầy Nguyễn Đức Thuận và Cô Nguyễn Ngọc Hải.
Có những cánh chim bồ câu trong sáng sớm trên đường Garden Grove đang chờ mùa về.
Thú thật, sau lần về California vừa rồi, mãi đến nay gần hai tháng, và qua hai tháng với một tấm lòng của một người già, tôi miên man nghĩ ngợi về những khóa tu học pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền, không chỉ dành cho những bậc cao niên già yếu nhiều bệnh tật như tôi, mà còn là nơi chứng kiến những môn sinh còn rất trẻ đầy kiến thức và tri thức, những người bạn trẻ khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Hồng Kông, Việt Nam mà tôi đã gặp, đã chứng kiến những nụ cười tươi vui trong suốt những ngày tôi trở lại Cali, đó là niềm vui, là niềm tin yêu làm cho tôi tin rằng pháp môn Vi Diệu Pháp Hành Thiền còn tiến rất xa, xa hơn nữa, không phải do có chúng tôi những người già, mà chính do ở các bạn, những người trẻ, chính các bạn là những người sẽ mang các lời pháp mà Thầy Cô Chưởng Môn và các vị Giảng Huấn giảng dạy sẽ bay xa, xa mãi đến mọi người trên cõi đời này như những cánh chim bồ câu đang chờ mùa về trên nền trời buổi sáng còn đọng hơi sương tươi mát, trong lành nơi này …
Houston ng ày 12-12-2011
Lương Thư Trung
Phụ chú:
1/ “Đám Cưới Trên Đồi” đăng trên Tạp chí văn chương Da Màu (http: damau.org) ngày 15-9-2011.
2/ Trích bài “Cứu người, giúp đời” của ký giả Linh Nguyễn trên báo Người Việt ngày 27-10-2011 tường thuật khoá học cấp 4 Vi Diệu Pháp Hành Thiền và ngày đại lễ Sinh Nhật lần thứ 165 Dức Sư tổ Dasira Narada 24-10-2011 tổ chức tại Westminster, California.
3/ Trích lời của Cô Chưởng Môn Nguyễn Ngọc Hải trong ngày lễ sinh nhật 165 Đức Sư Tổ, trong bài báo vừa dẫn phụ chú 1.
4/ Trích bài cảm tưởng của bác sĩ Lisa Cross: “Celebration of The 165th Birthday of The Founder Grand Master DASIRA NARADA October 24-2011” và trong đoạn này cũng như các trích dẫn bên dưới qua lời dịch của cô Nguyễn Thể Tín từ Thiền Đường Mississauga, Canada.
“The Founder Master was born in the City of Columbo in Sri Lanka in 1846. When he completed his PhD in Eastern Philosophy at the University of Nalanda, he was only 25 years of age. Impressive! Following the footsteps of his father who was a diplomatic official, Dasira Narada worked for the Sri Lankan government until 1893. Suddenly, he left his professional success, a bright future in a position many others desired, all the comforts of his family wealth as the only son. He left all of these material things behind him! He was 47 when he departed for the Himalayan Mountains. Somewhere in those 18 2 years of unimaginable drive and dedication for his own spiritual liberation, Dasira Narada achieved Cosmic Consciousness. Through his profound realization of the Ultimate Truth he contemplated deeply and developed a vast, deep array of teachings and methods that have formed the Spiritual Science of our discipline Divine Dharma Meditation. The Grand Master was 65 years of age when he returned from the Himalayas to begin the teaching of Divine Dharma Meditation! This is an age when most of us are long retired! He taught for 5 years travelling extensively until 1916. When our Grand Master was 70 years of age he began to train his successor. This was another 8 years! By the time our beloved Founder Grand Master left one final time in 1924, he was 78. Truly, even these small historical chronological details speak volumes about his remarkable life. It is no wonder that his exceptional teachings as well as his extraordinary virtue and merit have truly inspired and transformed us in such profound ways.”
5/Trích “Bài Khai Giảng Sinh Nhựt Đức Sư Tổ Năm 2011” của Giảng Huấn Nguyễn Ngọc Điệp.
6/ Trích bài cảm tưỏng của bác sĩ Lisa Cross:“Our own most beloved Masters Thay Thuan and Co Hai were the only two disciples fully trained by the 3rd lineage Vietnamese Masters who were 4 men and 1 woman. Their teachers had been instructed privately from 1972-1974 by the 2nd Grand Master. When the time was right, our own beloved Masters Co Hai and Thay Thuan came to North America in 1996. We have so much to honour and thank them for. They developed the UHBE discipline and established the Seattle Meditation Center, which became as a spiritual home for all of us. Since then they have travelled extensively around the world many, many times. They have opened countless classes, initiated thousands, taught meditation and principles of energy treatment. Anyone over 18 years of age, regardless of race, culture, language, religion or socioeconomic class has the opportunity to learn this discipline. Their classes are taught with love, wisdom, and are always free of cost.” ”.(Celebration of The 165th Birthday of The Founder Grand Master DASIRA NARADA October 24-2011)
7/ “There are now over 40 meditation centers worldwide. Thay and Co have trained instructors whom we trust and admire whose example we attempt to follow. More recently, the Masters initiated another 15 instructors to help with the growing demands. The Masters have actively encouraged and supported the massive job of translating the Founder Master’s teachings into many languages. There are now manuals in Chinese, English, French, Cambodian, and Spanish. This past September Thay and Co gave their blessing and support for the Ottawa Center in Canada to have the first Level I&II class in which the primary language of instruction was English. It was successful, another milestone for our discipline”( Celebration of The 165th Birthday of The Founder Grand Master DASIRA NARADA October 24-2011)
8/ “Thay Thuan and Co Hai continue to provide ongoing spiritual guidance and support to all of the meditation centers small or large, new or older. They have supported us through times of difficulty and struggle, explaining the Founder Master’s Dharma with ever wider and deeper spiritual meaning. Every human problem that we experience within our meditation centers or in the world at large, the Founder Master’s Dharma provides very clear comprehensive answers. As we let go of national, cultural, political and personal attachments both past and present that create barriers within ourselves, each other and others, Thay and Co patiently teach us the lessons and language of Universal love and altruism”.(Celebration of The 165th Birthday of The Founder Grand Master DASIRA NARADA October 24-2011)