CẢM NGHĨ SAU KHÓA TU HỌC CẤP 6
tại VDPHT THIỀN ĐƯỜNG TRUNG ƯƠNG ANAHEIM
(Ngày 10 – 12/11/2017)
Kính dâng lòng biết ơn lên Nhị Vị Sư Tổ đã ban cho các môn sinh một cơ duyên để từ khắp nơi được trở về thụ huấn khóa tu học cấp 6 đầu tiên tại Thiền Đường Trung Ương mới hoàn tất thật khang trang và mỹ thuật. Xin chân thành cảm tạ công ơn của Thầy Cô, quý vị giảng huấn cùng ban tổ chức đã lo lắng hướng dẫn chu toàn cho các khóa sinh trong 3 ngày thụ huấn.
Mặc dù trong mấy tuần lễ trước, Thầy Cô và quý vị giảng huấn cùng ban tổ chức đã trải qua thật nhiều bận rộn lo cho các lớp học của cấp 4 và cấp 5, hoàn tất tổ chức lễ Sinh Nhật Tổ và Khánh Thành Headquarter mới, nhưng tất cả quý vị vẫn giữ vững một tinh thần sốt sắng nồng nhiệt để đón tiếp và sắp xếp mọi chuyện cho 118 môn sinh từ khắp nơi trên Thế Giới và Hoa Kỳ trở về thụ huấn cấp 6. Thành thật khâm phục Đạo lực hành pháp thật kiên cường của quý vị .
Thứ năm, ngày 09 tháng 12, chuyến bay từ Houston bị chậm trễ 5 tiếng nên 5 giờ chiều mình mới đến sân bay. Chỉ kịp đặt phòng ở Hotel rồi vội đến ngay thiền đường trung ương đúng lúc để chúc mừng các bạn đồng môn trong buổi tiệc mãn khóa cấp 5 của họ đang diễn ra ồn ào nhộn nhịp với một niềm hạnh phúc rực sáng trên mọi khuôn mặt. Lớp cấp 5 là một trình độ đòi hỏi rất nhiều cố gắng cá nhân để vượt qua nên ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm như vừa buông xuống một gánh nặng ngàn cân. Không khí vui vẻ nầy đã gợi cho mình bồi hồi nhớ lại khung cảnh của 5 năm về trước ở tại thiền đường Seattle cũng trong buổi kết thúc khóa cấp 5 (Tháng 7/2012). Nơi đó đã mang lại thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ của những buổi học vẫn còn giữ mãi trong lòng các khóa sinh.
Mình cũng rất vui khi có dịp hội ngộ lại cùng Thầy Cô sau nhiều năm không gặp và nhận thấy Thầy Cô sau bao nhiêu năm lo lắng gầy dựng pháp môn và săn sóc các môn sinh cho đến hôm nay đã có hơn 100 thiền đường hoạt động khắp thế giới. Hai vị vẫn không sút giảm phong độ và đạo lực của mình để tiếp tục thay mặt Nhị Vị Sư Tổ dìu dắt các môn sinh của VDPHT trên con đường tu hành Bồ Tát Đạo trong nhiều nhiều năm nữa.
Trong buổi học đầu tiên thứ sáu ngày 10 tháng 11, Thầy Cô tỏ vẻ ưu tư về các học trò của hai vị sau khi quán sát các khóa sinh trong lớp. Có một số vẫn chưa hội đủ công năng tu tập để trở về học cấp 6. Thầy Cô ân cần nhấn mạnh tầm quan trọng của trình độ ở cấp nầy và đồng thời dành một ít thì giờ để ôn lại tổng quát những yếu tố quan trọng mà Thầy Cô mong muốn mọi môn sinh phải hoàn chỉnh từ cấp 2 đến 5. Chắc chắn rằng đa số các khóa sinh cần phải chú ý lắng nghe những lời nhắc nhở này để người nào tự nhận thấy những khiếm khuyết của riêng mình thì nên cố gắng thực tập lại cho tiến hóa kịp với các bạn đồng môn khi trở về hành pháp ở thiền đường địa phương của mình.
Mình nghĩ rằng cho dù sự tu tập của một cá nhân có bị chậm lại sau những người khác, nhưng chẳng thà tiến chậm mà được kết quả tốt còn hơn là gấp rút mà thiếu thốn khả năng, khiến môn sinh sẽ dễ dàng bị rơi vào những khảo đảo trở ngại. Dần dần đưa đến bỏ cuộc như đã xãy ra cho nhiều môn sinh trong bao năm qua. Giống như một căn nhà được xây lên nhiều tầng lầu mà nền móng thiếu chất lượng thì sớm muộn gì cũng sẽ bị rạn nứt sụp đổ không cách nào đứng vững nổi.
Trong thời mạt pháp này con người không còn nhiều thời gian để tu hành chứng ngộ như thời chánh pháp. Nhân loại sẽ được thanh lọc để những linh hồn thánh thiện được chuyển hóa lên cảnh giới thanh cao. Ai không nổ lực tu sửa từ bây giờ thì sẽ không còn cơ hội nào nữa vì kiếp cuối cùng của nhân loại trong thời này đang thu ngắn dần. Mà thời gian thì lúc nào cũng rất vô tư trôi qua không màng chờ đợi ai cả. Quanh đi quẩn lại thì chợt thấy tóc mình đã muối tiêu và thân bệnh thì xếp hàng chờ chực.
Qua những chứng nghiệm của mình trong gần 8 năm hành pháp, rõ ràng là Pháp Môn của Tổ chú trọng về thực hành nhiều hơn là ôm lý thuyết. Người xưa đã nói Văn ôn Võ luyện. Có thực hành siêng năng thì môn sinh mới có nhiều cơ hội để đạt được thành quả mong muốn và chứng nghiệm nhiều điều vi diệu của pháp Tổ. Từ đó sẽ tạo được một đức tin mạnh mẽ cho môn sinh để tiếp tục hành đạo bền bĩ và lâu dài.
Chiếc áo nâu sòng không thể làm nên một thầy tu đúng nghĩa. Cấp là do Thầy Cô ấn định ngoài đời để theo dõi trình độ tiến triển về tâm linh của môn sinh. Nhưng để có thể chứng đắc viên mãn thành quả tu đạo của mình hay không là do tự mỗi cá nhân có thành tâm nỗ lực thiền định, thọ pháp và hành pháp. Ai tu nấy chứng chứ người khác không có thể tu giùm mình được. Họ chỉ có thể chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm của riêng họ để yễm trợ phần nào cho mình mà thôi.
Thông thường nói thì dễ nhưng làm thì không dễ vì con đường tu theo Pháp Tổ là đời đạo song tu. Nhất tu thị, nhị tại gia, thứ ba mới tu chùa. Công phu tập luyện nào cũng phải trả một một cái giá của nó qua nhiều gian nan thì thành quả đạt được mới tương xứng. Nếu lòng đã quyết tâm tiến tới thì người tu sẽ biết khéo léo quân bình sinh hoạt giữa hai bên đời đạo để có thể vượt qua được mọi phức tạp trở ngại bên đời hầu gặt hái kết quả tốt đẹp bên đạo. Những thử thách phiền não trong đời sống là để khảo nghiệm môn sinh xem có nhất tâm tu sửa và tiến hóa trên đường đạo hay không? Như những bài kiểm tra của trường học ngoài đời, càng lên lớp cao thì bài kiểm tra càng phải khó khăn hơn cho tương xứng với giá trị của bằng cấp mình nhận được.
Cấp 6 cũng là giai đoạn để chuẩn bị một hành trình phát huy lên trình độ cấp 7 và giảng huấn. Môn sinh sẽ được thanh lọc hết cả 3 thể: thể xác, thể tánh và thể trí để họ có thể đạt đến một Đạo lực vững vàng hầu hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm hành pháp của mình. Do đó trong tương lai, những môn sinh trở về tu học khóa cấp 7 sẽ do tự Thầy Cô tuyển chọn theo đúng tiêu chuẩn tâm linh cần thiết. Đây là một trọng trách thiêng liêng mà nhị vị Sư Tổ đã ủy nhiệm lại cho Thầy Cô trong việc điều hành xây dựng Pháp Môn. Riêng mỗi môn sinh cũng phải có một nhận thức nghiêm túc về trình độ cấp 6 thì tiếp sau đó mới thọ pháp được hết các tinh hoa của trình độ cấp 7 và cao hơn.
Qua sự dẫn giải cặn kẻ của Thầy về sự tác hợp chặt chẽ giữa tam thể và ngũ uẩn trong tiến trình hình thành một thể xác có sự sống sinh động hằng ngày ở cõi phàm, các môn sinh có cái nhìn thông suốt hơn về tính chất giả tạm vô thường và vô ngã của một xác thân cưu mang sự sống con người. Chỉ cần thiếu một thể hay một uẩn thì thân tứ đại nầy không thể hiện hữu. Vật thể lại trở về với cát bụi. Sự giác ngộ về tính vô thường của vạn pháp sẽ giúp chúng sanh diệt được mọi đau khổ phiền não để đem lại sự giải thoát vô lậu. Vì vậy, nhu cầu diệt khổ và giải thoát cho mình và cho người cũng là mục tiêu tối thượng mà các môn sinh đang cố gắng theo đuổi trên con đường tu tập Pháp Tổ.
Thứ bảy, ngày 11 tháng 11, Thầy ôn lại thứ tự tiến hóa qua 7 cảnh giới trong càn khôn vũ trụ, và vạch rõ cho các môn sinh biết rằng con đường tu từ cấp 4 đến cấp 7 là để phát triển và chuyển hóa từ trình độ của một phàm nhân ở Hạ giới (cõi 1) lên dần đến trình độ Thánh nhân trong cõi Thượng giới (cõi 3).
Đây thật sự là những bước tối quan trọng trong công phu tu tập của những cấp này. Vì nó có một tương quan chặc chẽ với sự chứng đắc Tứ Thánh Quả ở cõi Thánh nhân (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán), mà A La Hán là chứng quả cuối cùng giúp con người thực sự giác ngộ và giải thoát được khỏi vòng Sanh Tử luân hồi.
Một phàm nhân có thể bước vào được ngưỡng cửa tứ thánh quả hay không là do sự nỗ lực cá nhân trong việc dấn thân tu tập giúp đời với lòng từ bi hỷ xả và vị tha. Giúp nhân loại cũng là tự giúp mình giảm bớt nghiệp quả cá nhân và gầy dựng thêm công đức vô lậu cho đến một thời điểm nào đó cơ duyên được thành tựu đầy đủ thì kỳ duyên chứng quả chắc chắn khởi sinh.
Song song với lòng vị tha, một đặc tính cũng rất cần thiết không thể vắng mặt trong việc hành đạo. Đó là tính khiêm cung. Dù ở một đẵng cấp nào cũng đừng bao giờ chấp ta đây là tài giỏi và hiểu biết hơn người khác, vì chấp ngã thì dễ sanh ra ngạo mạn và sai lầm. Vị tha mà kèm với chữ Ta thì sẽ chuyển thành vị ngã với danh lợi tình. Tự bản thân của ta không có quyền năng siêu phàm hay thần lực gì cả. Năng lượng vi diệu để trợ lực cho mình làm phương tiện trong sự tu tập và hành pháp giúp người là từ thần lực thiêng liêng trên cao ban xuống cho môn sinh nào có chân tâm hành pháp. Tâm đạo không có thì năng lượng cũng mất vi diệu.
Nhất là trong một tập thể, mỗi cá nhân đều có những cái hiểu biết và chứng nghiệm riêng mà chúng ta đều có thể chia sẻ và hợp tác với nhau trong tinh thần xây dựng đạo pháp, chứ không phải tự cho riêng mình lúc nào cũng giỏi hơn người khác. Một hạt cát không tạo thành một bãi sa mạc. Hãy giống như một chiếc phi cơ càng lên cao bao nhiêu thì càng nhỏ lại bấy nhiêu.
Nhìn chung quanh chúng ta chắc ai cũng nhận biết là những tập tục cúng kiến cầu khẩn vẫn còn thịnh hành trong thế kỷ 21 này. Đây là một khía cạnh không thực dụng trong cuộc sống thế gian và đi ngược đường với pháp môn Tổ mà Cô đã giảng dạy cho các môn sinh để tùy duyên hành xử trong cuộc sống mỗi ngày. Thực tế, ai tu nấy chứng, nghiệp ai nấy trả, phước ai nấy hưởng. Các đấng giáo chủ của mọi tôn giáo hay pháp môn chỉ hướng dẫn cho con người những phương tiện thực tiễn để tự mình tu sửa mà đạt đạo tiến hóa, chứ không nhờ khấn vái cầu xin khơi khơi mà được. Nếu làm vậy mà được có kết quả thì các Ngài đã cứu vớt hết chúng sinh lên thiên đàng từ lâu rồi và tất cả đều được giải thoát hạnh phúc không cần tu tập gì nửa cho mệt. Và các tôn giáo hay pháp môn đều không còn đối tượng để cứu độ.
Chủ nhật, ngày 12 tháng 11, tất cả môn sinh cảm thấy thật hân hoan nhẹ nhõm sau một buổi sáng cuối cùng ngồi thiền lâu nhất và được Thầy Cô khai thông Thể Tánh. Một thể của Chân ngã đang bị Phàm ngã thường xuyên lấn lướt làm chủ nhân điều khiển trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Trình độ tiến hóa của thể này phản ảnh trung thực mức độ tu chứng tâm linh của mỗi người để xác định được họ vẫn còn là phàm nhân hay đang tiến dần lên thánh nhân. Câu trả lời có lẽ sẽ chính xác hơn trong thời gian hành đạo về sau này của từng môn sinh. Ba ngày tu học đã được hoàn tất viên mãn dưới hồng ân độ lực của Nhị Vị Sư Tổ và Thầy Cô Chưởng Môn. Các môn sinh thọ nhận thêm Thần lực của Tổ và Đạo lực của Thầy Cô để củng cố mạnh mẽ Ngũ lực của riêng mình. Ngũ lực Tin-Tấn-Niệm-Định-Huệ có vững vàng thì việc phát triển Đạo lực cá nhân trên con đường tu học và hành pháp sẽ được thành tựu như ý .
Cuộc họp mặt nào rồi cũng có lúc phải chia tay, tất cả môn sinh đều bâng khuâng lưu luyến khi phải tạm biệt Thầy Cô và các bạn đồng môn quý mến ở Thiền đường Trung ương sau một buổi chiều liên hoan mừng vui lễ mãn khóa với nhau.
Những đứa con của Tổ lại mỗi người mỗi ngã tản mạn trở về thiền đường địa phương của mình để tiếp tục một hành trình hướng thượng và giúp đời trong cương vị thuần túy là những thiền sinh đệ tử của Nhị Vị Sư Tổ và Thầy Cô Chưởng Môn. Chúng ta vẫn luôn luôn nỗ lực yểm trợ cho nhau với chân tình lục hòa đồng tu trong một thiền đường hay giữa các thiền đường bạn để cùng nhau hoàn thành một nhiệm vụ tâm linh cao cả mà các Ngài đã ủy thác cho chúng ta trong công tác phụng sự nhân loại từ bao lâu nay.
Phụng sự nào cũng đều là Đạo sự cả, từ chuyện giữ gìn sạch sẽ thiền đường, lau bụi bàn thờ, hành pháp đặt bệnh, phụ lớp gieo duyên, hỗ trợ thiền đường bạn hay chia sẻ Pháp Tổ với đồng môn..., nếu mọi người luôn luôn thực hành những công tác này bằng tâm vô phân biệt và vô úy mà không mong ai biết ơn, bình thản trước khen chê, không so sánh hơn thua, không chỉ trích phê phán, không tự cao tự mãn, không gây rối bất an ...., thì chúng ta đã hoàn thành Đạo sự trong tinh thần cao quý của Pháp thí và Vô úy thí mà Tổ mong muốn ở các môn sinh.
Tất cả chúng ta đều là những đứa con bình đẳng của đấng Từ Phụ Thượng Đế được Ngài đưa xuống thế gian này để chịu sự trắc nghiệm và giám khảo. Mỗi cá nhân mang theo mình một túi hành trang chứa đựng nghiệp quả và căn cơ khác nhau không ai giống ai cả. Mang nghiệp thì bắt buộc phải trả quả, nhưng thời gian lâu hay mau tùy theo trình độ đạo đức tu hành của mỗi cá nhân. Do đó, mỗi người nên thường tự soi lại trong gương để tu sửa Tâm mình sao cho mỗi ngày được khá hơn những ngày đã qua hầu giảm bớt dần những món nợ đời nầy. Thân bệnh cũng nhờ đó mà từ từ tiêu trừ vì 80% các bệnh tật phiền não là do Tâm loạn động sinh ra. Hãy nhìn vào trong nhà mình mà lo quét rác cho sạch sẽ trước chứ đừng để tâm lo quét rác nhà người khác rồi quên rằng nhà của mình vẫn chất chồng thêm đầy rác theo thời gian trôi qua thấm thoát như thoi đưa.
Chợt nhớ lại lịch sử tu hành của Lục Tổ Huệ Năng, trong thời gian tu học ở chùa, vì Ngài được giao làm những công việc lặt vặt dưới bếp chứ không được phép lên chánh điện vào giờ nghe pháp như các môn đồ lâu năm khác. Trong lúc làm công quả Ngài vẫn luôn chú tâm lắng nghe pháp thoại giảng từ trên chánh điện vọng xuống. Đến một ngày Ngài nghe được câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" trong kinh Kim Cang thì Ngài chợt tỉnh ngộ và không lâu sau đó đã trở thành Lục Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Chúng ta có thể mượn câu chuyện này để tự nhắc nhỡ rằng nên nghe pháp với đạo tâm an tịnh thì Trí Tuệ sẽ phát sinh dễ dàng thấm nhuần ý nghĩa thâm sâu của đạo pháp. Mọi tạp niệm ảo tưởng thường do vọng Tâm sanh ra, thì chúng cũng có thể do đạo Tâm mà được chuyển hóa thành tốt lành. Thầy Cô cũng thường nhắc nhở: "Thiền đường trong tâm của mỗi môn sinh phải tiến hóa vững vàng rồi thì thiền đường ngoài đời mới phát triển tốt đẹp được".
Một lần nữa, xin chân thành cảm tạ Thầy Cô, quý vị giảng huấn và quý vị trong ban tổ chức và ẫm thực đã tận tình lo lắng chu đáo cho các khóa sinh qua 4 ngày hiện diện tu học cấp 6 được hoàn tất mỹ mãn. Những kỷ niệm nồng ấm thân yêu trong thời gian này sẽ được giữ mãi trong tâm hồn của các môn sinh trên khắp nẻo đường hành đạo phát huy Pháp Tổ.
Thân chúc các bạn đồng môn trở về địa phương hành pháp thật tinh tấn với nụ cười thơm ngát vô tranh luôn luôn nở trên môi.
Trí Thiện Lâm
Holy Center Houston Texas.
Ngày 18/12/2017.